SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Công nghệ sinh học: Tạo chuyển biến cho công nghiệp chế biến

[09/03/2013 09:13]

Xây dựng, phát triển mạnh công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ công nghiệp chế biến là mục tiêu quan trọng của Đề án phát triển CNSH trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian qua, các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương đã tích cực hoàn thành những nhiệm vụ, đề tài được giao.

Ảnh: Cấn Dũng

Thứ trưởng Bộ KH – CN Chu Ngọc Anh cho biết, xu hướng phát triển CNSH trong lĩnh vực công nghiệp chế biến của nhiều quốc gia trên thế giới là tập trung chuyển dịch nhanh cơ cấu từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang xuất khẩu các sản phẩm có chất lượng cao đã qua chế biến sâu. Đẩy nhanh việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học về công nghệ vi sinh, công nghệ enzym-protein phục vụ phát triển các sản phẩm: nông-lâm-thủy, hải sản, thực phẩm (nhất là thực phẩm chức năng); hàng tiêu dùng; nguyên liệu hóa dược; nhiên liệu sinh học, khai thác và chế biến dầu khí... Đồng thời tạo ra các sản phẩm có hàm lượng chất xám và giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội phát triển. Còn tại Việt Nam, sau một thời gian thực hiện đề án trên, nhiều sản phẩm của công nghệ enzym-protein, công nghệ vi sinh đã và đang đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm của công nghiệp chế biến.

Hầu hết kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án đã được ứng dụng và chuyển giao vào thực tiễn sản xuất tại doanh nghiệp, được hội đồng nghiệm  thu và doanh nghiệp đánh giá cao về tính ứng dụng, chất lượng và hiệu quả kinh tế của sản phẩm.

Đối với các tổ chức KH – CN thuộc Bộ Công Thương, năm 2012 đã có 39 đề tài và 9 dự án sản xuất thử nghiệm thuộc đề án được triển khai thực hiện với tổng kinh phí gần 78 tỷ đồng. Sau hơn 1 năm thực hiện, một số đề tài như: Sản xuất rượu truyền thống Mai Hạ; sản xuất nước tương bằng CNSH… đã tạo được các sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu VSATTP, đủ điều kiện để triển khai sản xuất thử nghiệm quy mô lớn. Đáng chú ý, mô hình sản xuất rượu Brandy từ trái cây Việt Nam; chế biến tinh bột biến tính dùng trong thực phẩm và dược phẩm... đã được sản xuất ở quy mô lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, các đề tài thuộc lĩnh vực nghiên cứu sản xuất enzyme tái tổ hợp và ứng dụng trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến (thuộc da, sản xuất giấy, sản xuất chất tẩy rửa) đã triển khai hiệu quả, có giá trị thực tiễn cao.    

Về nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNSH, các tổ chức KH – CN Bộ Công Thương bước đầu triển khai có hiệu quả nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ theo nhu cầu của thực tế sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, có phương án sử dụng đội ngũ cán bộ đào tạo để phục vụ tại các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp sản xuất. Bộ Công Thương đã phê duyệt 1 dự án đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ vi sinh; 3 phòng thí nghiệm công nghệ vi sinh, enzyme và protein phục vụ nghiên cứu, hợp tác quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực.

  Theo ông Nguyễn Đình Hiệp - Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ Công Thương) - Bộ đã thực hiện đầy đủ, đúng các quy định, quy trình và công khai hóa việc tuyển chọn, xét chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN của đề án. Do đó, số lượng và chất lượng các đề tài ngày càng nâng cao và sản phẩm tạo ra có chất lượng tốt hơn. Bộ Công Thương cũng thực hiện tốt việc kiểm tra đánh giá định kỳ với sự tham gia của các nhà khoa học, đại diện Ban điều hành đề án, đại diện của các bộ, ngành liên quan; chỉ đạo và điều chỉnh kịp thời việc triển khai nhiệm vụ tại các cơ sở. Chủ động tìm hiểu nhu cầu thực tế sản xuất-kinh doanh, hỗ trợ thông tin và kịp thời định hướng nhiệm vụ bám sát nhu cầu phát triển nên trong kế hoạch năm 2012 với số lượng dự án sản xuất thử nghiệm đã chiếm tỷ lệ cao (38% tổng số các nhiệm vụ được phê duyệt). Đây là tín hiệu tốt trong việc nhanh chóng chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và càng có ý nghĩa hơn trong điều kiện ngành CNSH của Việt Nam có điểm xuất phát thấp và rất chậm so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.

http://www.baocongthuong.com.vn (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ