Hơn 40% vỏ bình gas trên thị trường là giả, kém chất lượng
Hàng loạt các sản phẩm vỏ bình gas đang lưu thông trên thị trường không đảm bảo chất lượng, không an toàn cho người dùng.
Trên 40% vỏ bình gas lưu thông trên thị trường
kém chất lượng, không an toàn. Ảnh minh họa
Theo Bộ Công Thương, hiện tại
cả nước có 26 thương nhân, với 130 tổng đại lý thuộc các thương nhân xuất khẩu,
nhập khẩu khí hóa lỏng (LPG); 3.500 đại lý và trên 8.000 cửa hàng bán lẻ LPG.
Với lượng cửa hàng, đại lý
hùng hậu như vậy, nhưng do thiếu những biện pháp quản lý đủ mạnh, nên thị trường
gas tồn tại hiện tượng bát nháo, lộn xộn và tất cả mọi thua thiệt đều đổ lên
vai người tiêu dùng (NTD).
Ông Trần Trọng Hữu, Phó tổng
thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng, gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện,
liên quan đến tính mạng của người sử dụng nhưng cấp phép kinh doanh gas lại quá
dễ dàng. Không có nước nào trong khu vực Đông Nam Á mà thị trường kinh doanh
gas lại lộn xộn như ở Việt Nam.
"Mặc dù đã được các cơ
quan chức năng chú trọng quản lý, đặc biệt từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị
định 107/2009/ NĐ- CP nhằm thắt chặt quản lý đối với hoạt động kinh doanh gas, nhưng
hoạt động kinh doanh gas vẫn tiếp tục lộn xộn", ông Hữu cho biết.
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng
Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho rằng, gas là mặt hàng mà lực lượng
quản lý thị trường tập trung kiểm tra nhiều nhất trong những năm gần đây. Từ
các cuộc kiểm tra cho thấy, tình trạng sang chiết gas trái phép diễn biến phức
tạp, các đối tượng làm ăn phi pháp rất tinh vi, thay đổi phương thức hoạt động.
Thực tế, tình trạng sang chiết
gas trái phép ở vùng ven đô, hẻo lánh, sang chiết bằng dụng cụ tự chế, mua lại
vỏ bình trôi nổi, chiếm dụng vỏ bình của doanh nghiệp có uy tín cắt quai, sơn
lại, mài chữ để làm giả.
Bà Lương Thị Sinh - TGĐ
Công ty TNHH một thành viên Gas Venus cho biết, do chi phí đầu tư vỏ bình cao (khoảng
520.000 đồng/vỏ), mà giá vỏ trên thị trường chỉ 170.000 đồng/vỏ, nên nhiều công
ty cắt tai bình, thay chân đế, mài logo, thay đổi nhãn hiệu, số series, đổi van…
Theo Hiệp hội Gas Việt Nam,
có trên 40% vỏ bình gas ra thị trường là giả nhãn hiệu; tình trạng thu gom,
chiếm đoạt bình gas rất phổ biến, công khai; hằng năm đã xảy ra hàng ngàn vụ
cháy nổ khí gas.
Không chỉ doanh nghiệp kinh
doanh LPG sang chiết gas trái phép, với mong muốn thu lợi cao, mà các đại lý
cũng thực hiện sang chiết thủ công vào các chai bình của hãng có thương hiệu như
Petrolimex, Shell gas, Total gas, Petro gas để thu lợi.
Ngoài thủ đoạn sang chiết bình
gas vào bình của các doanh nghiệp có thương hiệu, nhiều đại lý còn ngang nhiên
sang chiết gas từ bình 12 kg sang bình gas du lịch, nhằm thu lợi, bất chấp nguy
cơ cháy nổ. Thậm chí, khi tiếp nhận gas từ đại lý, mỗi bình 12 kg thường được
cơ sở kinh doanh mở niêm phong và chiết bớt sang bình mini, mỗi lần chiết 3 - 5
bình.
Cũng theo Cục Quản lý thị
trường, quy định bình gas 300 ml là chai mini nhưng loại bình 500 ml, 520 ml
lại không bị quản lý, vì lý do đó mà các cơ sở nhỏ lẻ sang chiết "vô
tư".