XK tôm sang EU trong tháng đầu tiên của năm 2016 vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm của năm 2015. Từ tháng 2 đến tháng 4, XK tôm mới bắt đầu phục hồi tăng trưởng so với các tháng cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, XK tôm sang EU trong 4 tháng đầu năm 2016 tăng 12,1% đạt 164,4 triệu USD. Đầu năm 2016, đơn đặt hàng từ các nhà NK châu Âu tăng do tồn kho giảm và nhu cầu tôm ổn định.
Trong số các thị trường đơn lẻ thuộc khối EU, Bỉ đã vượt
qua Hà Lan lọt vào top 3 thị trường NK tôm Việt Nam lớn nhất trong khối (lần lượt
là Anh, Đức, Bỉ). Giá trị XK tôm sang Anh và Bỉ trong 4 tháng đầu năm nay tăng
mạnh lần lượt 38,9% và 65,1% trong khi XK sang Đức giảm 3,9%.
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC),
2 tháng đầu năm nay, NK tôm vào EU đạt 953,5 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ
năm 2015. Trong top 4 nhà cung cấp tôm lớn nhất cho EU (lần lượt là Ấn Độ,
Ecuador, Hà Lan và Việt Nam); NK tôm từ Ấn Độ, Hà Lan và Việt Nam tăng trong
khi NK từ Ecuador giảm.
Trong khối EU, Anh và Pháp là 2 thị trường NK tôm lớn
nhất. Hai tháng đầu năm nay, 2 thị trường này đều tăng NK lần lượt là 4,1% và
2,8%. Bỉ, đứng thứ 7 trong số các thị trường NK tôm lớn nhất của khối EU, cũng
tăng 7,8% về NK tôm.
Anh: Nhu cầu tôm nước ấm tăng mạnh
Trong khi EU liên tục giảm NK tôm từ Việt Nam, Anh luôn
là thị trường năng động về NK tôm từ Việt Nam trong năm 2015. Từ vị trí là thị
trường lớn thứ 3 về NK tôm Việt Nam trong khối EU năm 2014, Anh vươn lên vị trí
thứ 2 từ đầu năm 2015. Bắt đầu từ tháng 8/2015, Anh vượt qua Đức trở thành thị
trường dẫn đầu khối về NK tôm từ Việt Nam và duy trì vị trí số 1 cho đến nay. Bốn
tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang Anh đạt 37,3 triệu USD, chiếm 4,3%
trong tổng XK tôm Việt Nam sang các thị trường.
Sở dĩ XK tôm sang Anh tăng là do thị trường này tăng
nhu cầu NK tôm nước ấm trong khi nguồn cung tôm nước lạnh giảm và giá cao.
Trên thị trường bán lẻ
Anh, trong 52 tuần kết thúc vào 23/4/2016, doanh số bán tôm nước lạnh giảm
12,3% về khối lượng và 2,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước đó, giảm từ
16.260 tấn (trị giá 265,3 triệu USD) xuống còn 14.226 tấn (trị giá 258,3 triệu
USD).
Trong giai đoạn này,
do khan hiếm nguồn cung nên giá tôm nước lạnh tăng 11,5% lên 18,20 USD/kg.
Doanh số bán tôm nước
lạnh ướp lạnh đạt 9.636 tấn, giảm từ 10.795 tấn của 1 năm trước đó. Giá trị đạt
185,8 triệu USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước đó. Giá tôm nước lạnh ướp lạnh
tăng 9,2%, đạt 19,3 USD/kg.
Doanh số bán tôm nước
lạnh đông lạnh giảm 15,5% đạt 4.630 tấn tuy nhiên giá trị giảm nhẹ 1% từ 74,4
triệu USD xuống 73,7 triệu USD. Giá mặt hàng này tăng 16,8% đạt 15,9 USD/kg.
Trong giai đoạn này,
doanh số tôm nước ấm tăng và lần đầu tiên vượt qua doanh số tôm nước lạnh trong
3 năm trở lại đây. Doanh số tôm nước ấm đạt 16.445 tấn, tăng 15,4% từ 14.252 tấn
của cùng kỳ năm trước đó. Giá trị đạt 352,7 triệu USD, tăng 9,6% từ 322,9 triệu
USD của cùng kỳ năm trước.
Doanh số bán tôm nước
ấm ướp lạnh đạt 16.445 tấn, trị giá 247,4 triệu USD; tăng lần lượt 15,5% và
10,1%.
Doanh số tôm nước ấm
đông lạnh tăng 15,3% về khối lượng (từ 5.346 tấn lên 6.163 tấn) và tăng 8,4% về
giá trị từ (97,8 triệu USD lên 106,1 triệu USD).
Doanh số tôm nước ấm
tăng một phần nhờ giá cả phải chăng. Giá đã giảm 4,7% đối với tôm nước ấm ướp lạnh
(24,1 USD/kg) và giảm 5,9% đối với tôm nước ấm đông lạnh (17,2 USD/kg).
Nguồn cung tôm nước lạnh
thế giới dự báo giảm mạnh trong thời gian tới. Dự báo này dựa trên cơ sở các
nhà quản lý Canada dự kiến cắt giảm 50% hạn ngạch khai thác tôm do biến đổi khí
hậu làm nhiệt độ nước biển tăng.
Nguồn cung tôm nước lạnh
từ bắc Đại Tây Dương năm 2015 đạt 250.000 tấn, giảm mạnh từ 450.000 tấn năm
2005. Từ năm 2010, giá tôm nước lạnh đã tăng 300%.
Năm 2016, châu Âu vẫn
là thị trường nhạy cảm về giá và nhu cầu đối với tôm giá rẻ vẫn tăng ở các thị
trường thuộc khối này. Nhu
cầu tôm giá hợp lý như tôm chân trắng sẽ tăng trong khi nhu cầu tôm sú sẽ giảm.
Năm 2015, trên thị
trường EU, tôm nước ấm có nhu cầu cao hơn so với tôm nước lạnh khai thác tự
nhiên. Dự kiến, xu hướng này vẫn tiếp tục trong năm 2016.
Ở EU, nhu cầu thực phẩm dễ chế biến và chế biến nhanh
đang có xu hướng tăng do áp lực công việc.Trước đây, EU chủ yếu NK tôm HOSO tuy
nhiên thị trường này hiện có xu hướng NK nhiều hơn các sản phẩm chế biến sẵn
như tôm tẩm ướp gia vị hoặc xiên que.
Mặc dù có lợi thế từ FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, trong
quý II/2016, XK tôm Việt Nam sang EU dự kiến chỉ tăng nhẹ do thị trường này vẫn
tiềm ẩn những bất ổn như khủng hoảng chính trị ở EU trong đó có cuộc khủng hoảng
di cư và những vấn đề xung quanh tình hình kinh tế Hy Lạp. Do vậy, các khách
hàng châu Âu sẽ ít mua để tích trữ, họ chỉ mua những gì họ thực sự cần.