Cơ hội vàng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Tiếp theo và hết)
Bài 3: Chính sách - mở cửa hay cấm đoán?
Từ trước đến nay, chính sách luôn chạy theo thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với bước tiến công nghệ vượt xa mọi dự báo, đã nảy sinh những “bài toán” đau đầu cho cơ quan quản lý nhà nước, nhằm điều chỉnh về chính sách cho các xu hướng công nghệ. Thái độ ứng xử cởi mở, khuyến khích những xu thế mới hay tâm lý e dè, thậm chí cấm đoán, triệt tiêu sáng tạo dường như vẫn là những quan điểm mâu thuẫn, chưa thống nhất giữa các bộ, ngành hữu quan.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc vận hành hệ thống đèn chiếu sáng và tưới nước trên ruộng thanh long tại huyện Châu Thành (Long An). Ảnh: ĐĂNG KHOA
Thách thức thật từ đồng tiền “ảo”
Ra đời năm 2009, công nghệ blockchain (chuỗi khối) được các chuyên gia đánh giá là một trong các ý tưởng mang tính đột phá để thay đổi tư duy và cuộc sống của con người kể từ sau in-tơ-nét. Do vậy, chuỗi khối đang nổi bật lên như một giải pháp cho nhiều lĩnh vực, được ví như công nghệ xương sống cho thế hệ 4.0 như Big Data (dữ liệu lớn), trí tuệ nhân tạo (AI) và in-tơ-nét vạn vật (IoT). Báo cáo sơ bộ về chuỗi khối cũng cho thấy xu hướng tất yếu của việc phát triển công nghệ này do tác động từ xu thế toàn cầu. Cụ thể, chuỗi khối giúp các ngân hàng tiết kiệm được 12 tỷ USD/năm; từ năm 2015 đến 2024, thị trường chuỗi khối sẽ tăng từ 315 triệu USD lên 20 tỷ USD, gấp 70 lần; 66% các ngân hàng trên thế giới dự báo sẽ ứng dụng chuỗi khối trong vòng bốn năm tới,...
Bắt nhịp xu hướng này, hiện có khoảng 20 doanh nghiệp (DN) trong nước khởi nghiệp với công nghệ chuỗi khối. Một số trong đó đã rất thành công, đơn cử như Kyber Network đã gọi vốn được 52 triệu USD hay TomoChain gọi vốn 7,5 triệu USD. Tuy nhiên, phần lớn các công ty này đều đặt trụ sở ở nước ngoài và sản phẩm chủ yếu là hướng tới thị trường nước ngoài thay vì trong nước, mà nguyên nhân chính do hàng rào pháp lý đang cản trở hoạt động của họ tại Việt Nam. Trưởng bộ phận ma-két-tinh Công ty Infinity Blockchain Labs (IBL) Nguyễn Thị Hải Thanh cho biết: Mỗi nền tảng chuỗi khối sẽ có một đồng tiền mã hóa đi kèm. Như vậy, cấm tiền mã hóa gần như đã cấm các ứng dụng hay sản phẩm lưu hành, dịch vụ dựa trên nền tảng này, khi đó DN không có đầu ra và không thể tồn tại. Theo nhận định của một chuyên gia kinh tế, cần lưu ý rằng, bitcoin chỉ là một trong rất nhiều các loại tiền mã hóa đang nở rộ gần đây. Những đồng tiền này đang xóa nhòa ranh giới quốc gia và cũng không nằm trong phạm vi điều chỉnh của các ngân hàng nhà nước. Theo cách thức đã định hình hàng trăm năm nay, tiền tệ là một trong những yếu tố căn bản xác lập chủ quyền cao nhất của mọi Nhà nước bởi nó cũng là công cụ quyền lực căn bản của chính quyền. Công nghệ với hình thái nổi trội nhất hiện nay là tiền mã hóa, đang trở thành một thứ quyền lực xuyên biên giới, phi tập trung và vận động tiến lên không ngừng. Nó hiện diện như một lực lượng mới, thách thức và đối trọng lại những quyền lực truyền thống của Nhà nước. Trong khi đó, hệ thống pháp luật của Việt Nam chung quanh vấn đề này còn rất mù mờ. Theo cách hiểu của giới công nghệ, Nhà nước vẫn chưa thống nhất được tiền mã hóa có vai trò gì, tài sản đặc biệt hay phương tiện thanh toán,... Tương lai của tiền mã hóa đang mờ mịt và khả năng bị cấm hoàn toàn là rất cao. Do đó, hầu hết việc huy động vốn bằng tiền mã hóa của các DN Việt Nam vừa qua đều được tiến hành tại Xin-ga-po do lo ngại rủi ro pháp lý.
Muốn công nghệ thông tin (CNTT) thật sự đột phá, trước tiên phải từ thái độ ứng xử tầm quốc gia để khuyến khích bằng những cơ chế cởi mở, thân thiện. Công nghệ, hình thức kinh doanh mới, phải được sẵn sàng thử nghiệm, không nên áp đặt những chính sách kìm kẹp, cản trở sức sáng tạo. Câu chuyện khởi nghiệp sáng tạo cũng vậy, phải tạo điều kiện tốt nhất để DN khởi nghiệp dám làm những điều hoàn toàn mới mẻ. Nếu những vấn đề mới không vượt khỏi khung của quy định cũ thì chắc chắn sẽ “chết yểu”. Đây cũng là nguyên nhân khiến không ít bạn trẻ đầy tài năng nhưng cuối cùng phải chọn cách khởi nghiệp ở nước ngoài. “Thời gian qua, Chính phủ đã cho Uber và Grab có được cơ hội thử nghiệm thì nên tiếp tục tư duy này với những công nghệ mới khác. Khi Việt Nam luôn sẵn sàng đón nhận và thử nghiệm những ý tưởng mới, sẽ có cơ hội trở thành tâm điểm thu hút DN khởi nghiệp trên thế giới, nếu họ thành công, đó cũng là thắng lợi chung của cả đất nước” - đại diện Diễn đàn kinh tế tư nhân bày tỏ.
Kịch bản tổng thể
Với CNTT, ngoài việc tiếp tục tháo gỡ những rào cản chính sách, cần thêm những giải pháp đột phá để phát triển nguồn nhân lực. Đặc thù của CNTT là con người, quan trọng nhất là nguồn nhân lực được đào tạo theo định hướng CMCN 4.0. Theo Chủ tịch Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính, mặc dù nguồn nhân lực cho CNTT gần đây đã tốt hơn rất nhiều so khoảng 10 năm trước, nhưng giữa học và hành đang có những khoảng trống rất lớn, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển. Hiện, hầu hết các DN lớn về công nghệ đều thiếu hụt lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao, DN nhỏ lại càng khó vì không thể thu hút được người giỏi. Muốn giải quyết trọn vẹn bài toán này, phải từ chính sách của Chính phủ, bằng cách bãi bỏ hành chính hóa chỉ tiêu đào tạo sinh viên công nghệ của các trường, đồng thời tăng thời gian đào tạo thông qua quá trình thực tập, nâng cấp hệ thống đào tạo sát hơn với yêu cầu của DN và thị trường.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia khuyến nghị, Nhà nước cần sớm xây dựng sàn giao dịch nông sản theo chuẩn mực để kiểm soát chất lượng, sản lượng và giá trị cho nông sản cũng như thúc đẩy các DN nông nghiệp phát triển thương mại điện tử, chú trọng truy xuất nguồn gốc, bảo đảm yếu tố an toàn thực phẩm. Cần sớm ban hành các tiêu chuẩn cụ thể cho sản phẩm gắn với chất lượng, xây dựng hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật cho nông sản Việt Nam, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Nhà nước cần mạnh dạn để khu vực tư nhân đảm nhận xây dựng nền tảng giao dịch thương mại cho nông sản trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm về thương mại điện tử ở một số quốc gia đã hoặc đang thành công trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó đẩy mạnh yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nguồn nguyên liệu. Nhiều DN kiến nghị Nhà nước xây dựng một bộ tiêu chuẩn về nông sản, bởi hiện nay thực phẩm bẩn và sạch trên thị trường đang lẫn lộn, làm giảm sút giá trị nông sản, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất thay đổi từng ngày và chúng ta không thể dựng một “hàng rào” cho công nghệ, mặt khác nếu trông chờ Nhà nước ban hành bộ tiêu chí sẽ rất chậm, có khi đến lúc đưa ra đã lạc hậu. Do đó, các hiệp hội, DN cần chủ động xây dựng và công bố tiêu chí riêng và phải tự chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn đó. Thị trường và các cơ quan chức năng sẽ là người giám sát việc tuân thủ của DN. Nhà nước cần đưa ra khung pháp lý cho phép DN thực hiện việc tự công bố, có chế tài phạt nặng những DN bị phát hiện gian dối.
Các chính sách về thuế có tình trạng bất bình đẳng giữa các chủ thể trong cùng một lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hướng đến bảo hộ người nông dân hơn là DN. Trong khi đó, DN mới là người làm chủ thị trường, công nghệ, đầu tư lớn để làm nông nghiệp một cách bài bản. Nên chăng, thay vì tìm cách hỗ trợ nông dân như vẫn làm, Nhà nước cần chuyển hướng sang hỗ trợ DN. Cách làm nông nghiệp của Thái-lan có thể là một kinh nghiệm quý đối với Việt Nam. Theo đó, tại mỗi vùng, Chính phủ Thái-lan chọn ra những DN sản xuất, kinh doanh tốt, có tiềm năng, được thẩm định kỹ lưỡng về chiến lược kinh doanh, năng lực tài chính và xúc tiến thị trường. Nếu “qua cửa”, DN sẽ được Chính phủ đầu tư tài chính và công nghệ, với cam kết phải hỗ trợ ngược lại nông dân trong vùng. DN làm thương mại tốt sẽ tự xây dựng chiến lược phát triển vùng, dưới sự bảo trợ của chính quyền, thỏa thuận với người dân trong việc tiếp nhận giống, vốn, công nghệ,... tiến hành sản xuất theo kế hoạch và quy trình đã định. Nông dân sẽ trở thành những công nhân trên chính mảnh ruộng của mình, không phải lo đầu vào, đầu ra để tập trung hoàn toàn vào sản xuất. Nhà nước không phải lo hỗ trợ vốn để tích tụ ruộng đất, tránh được nhiều hệ lụy xấu sau này. Bài toán việc làm được giải quyết tại chỗ, lao động nông thôn không còn cảnh ly nông, ly hương dồn về các đô thị lớn tìm việc làm, góp phần tăng cường ổn định xã hội.
Tựu trung, nếu Việt Nam đã quyết dấn thân vào “cuộc chơi” CMCN 4.0 và chọn ba lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và CNTT làm mũi nhọn đột phá, cần xây dựng ngay một chiến lược phát triển mang tầm quốc gia, trong đó vạch rõ lộ trình, các bước đi cụ thể cho từng lĩnh vực cũng như sự phân công công việc rõ cho từng bộ, ngành gắn theo trách nhiệm cụ thể. Muốn xây dựng được chiến lược này, cần tập hợp đội ngũ chuyên gia hùng hậu cả trong nước và ngoài nước để cùng bàn thảo, đánh giá rõ những xu thế phát triển mới của CMCN 4.0, thực trạng hiện nay trong nước hay kinh nghiệm từ các nước đi trước, từ đó “vẽ” ra một kịch bản tổng thể cho định hướng phát triển của cả đất nước trong tương lai. Một hạn chế đáng kể hiện nay, giữa các bộ, ngành có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, thiếu thống nhất trong cách làm. Vì thế, khi hoàn thành kịch bản ở tầm quốc gia, cần phải có một cơ quan có đủ thẩm quyền, vượt trên các bộ, ngành, có thể là một Ủy ban quốc gia do chính Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, trực tiếp làm Tổng chỉ huy cho “chiến dịch” CMCN 4.0. Thời gian không chờ đợi chúng ta, quan trọng nhất là những việc này cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Đây chính là thời điểm Chính phủ cần thể hiện rõ hơn tinh thần quyết liệt, hành động, đưa đất nước có những bước đi thật sự đột phá, vươn lên, nắm bắt tốt những cơ hội do CMCN 4.0 mang lại và bắt nhịp cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nhắc đi nhắc lại, CMCN 4.0 là cơ hội thể hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt. Muốn vậy, phải hành động quyết liệt, kịp thời để vượt qua thách thức, phát huy mọi lợi thế, tận dụng thành công cơ hội phát triển; phải có thái độ ứng xử cởi mở, sẵn sàng thử nghiệm những mô thức mới. Bên cạnh đó, phải tạo dựng môi trường thể chế, chính sách, pháp luật thông thoáng, sẵn sàng thích ứng và kiến tạo, thúc đẩy các mô hình sản xuất, kinh doanh mới phát triển.
|