Đánh giá tính tổn thương đối với đất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu cho các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long
Nghiên cứu do các tác giả: Thái Minh Tín, Trần Hồng Điệp - Khoa Tài nguyên - Môi trường, Trường Đại học Kiên Giang; Võ Quang Minh, Trần Đình Vinh - Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Tác động của biến đổi khí hậu đối với ĐBSCL (Ảnh: baomoi.com)
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng gây ngập lụt, gây nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng đến nông nghiệp, gây rủi ro lớn đối với công nghiệp và các hệ thống kinh tếxã hội trong tương lai. Vấn đề BĐKH đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện, sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu như năng lượng, nước, lương thực, xã hội, việc làm (Phương Ngọc Thạch, 2011). Trong những năm qua, dưới tác động của BĐKH, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường của nước ta. Tác động của xâm nhập mặn ảnh hưởng đến cơ cấu mùa vụ, hệ thống canh tác, nhất là thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong phát triển nông nghiệp. Chỉ tính trong 10 năm (2000-2010), các loại thiên tai như: bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm (Thủ tướng Chính phủ, 2011).
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và các tỉnh ven biển Đông ĐBSCL nói riêng là nơi sản xuất lúa gạo, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản lớn của Việt Nam. Đây là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương do BĐKH. ĐBSCL đóng góp 3 sản phẩm xuất khẩu lớn, đó là gạo, trái cây và thủy sản. Hàng năm, ĐBSCL cung cấp trên 50% sản lượng gạo quốc gia, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây, 40% lượng thủy sản đánh bắt và 74% thủy sản nuôi cả nước (Trần Ngọc, 2017). Các báo cáo nghiên cứu cho thấy vùng ven biển Đông ĐBSCL đang và sẽ chịu những tác động nghiêm trọng do hiện tượng BĐKH-nước biển dâng lên cơ cấu canh tác nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và các hoạt động xã hội-sinh kế-văn hóa khác nhau. Nguy cơ này đe dọa sự phát triển bền vững của vùng đồng bằng nếu ngay bây giờ chúng ta không có những đối sách thích ứng hợp lý đối với các tác động này (Lê Anh Tuấn, 2009). Từ đó, đánh giá mức độ tổn thương dưới tác động của BĐKH đến sản xuất nông nghiệp (SXNN) đã được thực hiện. Dựa vào kịch bản BĐKH nước biển dâng và xâm nhập mặn năm 2030 và 2050 do Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam xây dựng khu vực ven biển ĐBSCL. Đề tài được thực hiện nhằm mục tiêu: Xác định các yếu tố BĐKH gây tổn thương đến SXNN và vùng đất nông nghiệp bị tổn thương bởi các yếu tố BĐKH của các tỉnh ven biển Đông ĐBSCL. Từ kết quả này là cơ sở quan trọng để các tỉnh trong vùng có những điều chỉnh thích hợp và kịp thời trong sử dụng đất ứng phó với BĐKH.
Nghiên cứu được thực hiện trên 8 mô hình sản xuất nông nghiệp gồm: Lúa 3 vụ, lúa 2 vụ, chuyên tôm, lúa-tôm, lúamàu, cây ăn trái, mía và cây màu. Số liệu của nghiên cứu được thu thập bằng phương pháp phỏng vấn các đối tượng bao gồm nông dân và chuyên gia với 192 phiếu điều tra. Nghiên cứu sử dụng phương pháp đa tiêu chí (MCE) và kỹ thuật GIS để phân tích và đánh giá số liệu. Kết quả cho thấy yếu tố mặn và ngập ảnh hưởng nhiều nhất đến các mô hình: Lúa 3 vụ, lúa 2 vụ, chuyên tôm, lúa-tôm, lúa-màu và cây màu. Yếu tố ngập ảnh hưởng nhiều nhất đến mô hình mía và cây ăn trái. Nghiên cứu đã xác định được 5 mức độ tổn tương đến sản xuất nông nghiệp là rất thấp, thấp, trung bình, cao và rất cao. Vào các năm 2016, 2030 và 2050, diện tích bị tổn thương ở mức độ trung bình, cao và rất cao có chiều hướng ngày càng tăng, trong khi đó diện tích tổn thương ở mức thấp và rất thấp có chiều hướng giảm.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ - Số Môi trường 2017