TPHCM: Kiện toàn nhân sự Chương trình phát triển vi mạch
Theo quyết định số 1502/QĐ-UBND do UBND TPHCM vừa ban hành ngày 12/4/2018, ông Vũ Hải Quân, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM sẽ trở thành thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển vi mạch thành phố giai đoạn 2017 – 2020.
Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC đang giới thiệu về các loại chip được Trung tâm nghiên cứu và phát triển thành công. Ảnh Minh Anh.
Trước đó, UBND TPHCM đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển vi mạch (chip điện tử) thành phố đến năm 2020, gồm 12 thành viên. Trong đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến làm trưởng ban. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM Nguyễn Việt Dũng và Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Dương Anh Đức làm Phó trưởng ban.
Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là xác định phương hướng hoạt động và kế hoạch thực hiện Chương trình; Chỉ đạo triển khai các nội dung, công việc/dự án của chương trình.
Cũng theo quyết định số 1502/QĐ-UBND, ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở thông tin và Truyền thông TPHCM sẽ làm tổ trưởng tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển vi mạch. Tổ giúp việc có 11 thành viên, đến từ các sở, ban, ngành… trên địa bàn TPHCM gồm: Sở Thông tin và Truyền thông (1 tổ trưởng và 1 tổ phó); Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo thiết kế Vi mạch; Sở Công thương; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên; Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Sở Tài chính; Sở Khoa học và Công nghệ.
Đối với Tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo sẽ chịu trách nhiệm tổng hợp, thu thập thông tin, phân tích, góp ý và phối hợp xây dựng nội dung công việc và kinh phí cụ thể của các đơn vị tham gia, triển khai Chương trình, trình Ban chỉ đạo.
Trước đó, vào tháng 3/2018, UBND TPHCM cũng đã phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp MEMS đến năm 2020. Theo Chương trình này, TPHCM sẽ phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu, phát triển và dự kiến sản xuất một số sản phẩm có tính ứng dụng phục vụ cho các dự án quan trắc như: 200 chíp cảm biến pH chế tạo bằng công nghệ MEMS; 1000 cảm biến… Trong năm 2018, TPHCM sẽ tập trung vào công tác xây dựng nguồn nhân lực: đào tạo cán bộ thiết kế và chế tạo cảm biến, phối hợp với các tổ chức quốc tế đào tạo và cử cán bộ đi đào tạo tại nước ngoài và thu hút chuyên gia làm việc trong lĩnh vực MEMS tại thành phố.
www.khoahocphattrien.vn (ntmoanh)