Ngăn chặn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử
Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã kéo theo tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày một gia tăng, trở thành một thách thức cho các chủ thể quyền SHTT và cơ quan chức năng. Để bảo đảm thương mại điện tử phát triển lành mạnh, cần bổ sung các quy định để xử lý vi phạm và sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan thực thi quyền SHTT.
Khi mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng cần lựa chọn các địa chỉ uy tín. Trong ảnh: Nhân viên siêu thị điện máy MediaMart (Hà Nội) tiếp nhận thông tin mua hàng trực tuyến. Ảnh: Thanh Hà
Hiện nay, bên cạnh các trang thông tin điện tử, hoạt động kinh doanh còn được thực hiện trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo và dần hình thành nên những “chợ” buôn bán trực tuyến sôi động. Theo Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ), thị trường thương mại điện tử của Việt Nam có quy mô khoảng 4 tỷ USD, khả năng phủ sóng viễn thông rộng và sự phổ biến của điện thoại thông minh sẽ nhanh chóng nâng tốc độ tăng trưởng của thị trường này lên tới 22% mỗi năm; trong vòng 5 năm tới, có thể đạt giá trị 10 tỷ USD. Dự báo này cũng đem lại nhiều lo lắng, thách thức cho cơ quan chức năng trong việc giải quyết những hệ lụy của thương mại điện tử, trong đó có vi phạm SHTT chủ yếu ở các nhóm như: Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, tên thương mại, tên doanh nghiệp trong môi trường thương mại điện tử; hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền; hành vi quảng cáo hàng hóa xâm phạm bản quyền SHTT.
Thời gian qua, vi phạm quyền SHTT trong môi trường số gặp nhiều khó khăn trong khâu xử lý. Tại hội nghị đối thoại về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vừa qua, bà Nguyễn Nga, Chủ tịch Tiểu ban Quyền sở hữu trí tuệ, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) băn khoăn, mặc dù việc thực thi quyền SHTT ở Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây, nhưng kiến thức hạn chế về SHTT và thiếu nguồn lực vẫn tiếp tục là trở ngại chính. Các vi phạm quyền SHTT trong môi trường trực tuyến vô cùng tinh vi, khiến cơ quan thực thi khó nắm được. Các biện pháp hành chính là công cụ được sử dụng nhiều nhất để xử lý vi phạm quyền SHTT, nhưng không đủ mạnh để ngăn chặn các vi phạm trắng trợn và nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật còn ngần ngại xử lý các trường hợp vi phạm quyền SHTT. Qua công tác kiểm tra, Thanh tra, Bộ Khoa học và Công nghệ thừa nhận, việc xác định tổ chức, cá nhân vi phạm khá gian nan, nguyên nhân do các tổ chức, cá nhân đăng ký thông tin trên mạng nhưng khi cơ quan chức năng tìm đến thì không có, hoặc đã chuyển đi nơi khác. Có không ít trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ở nước ngoài nhưng đăng ký tên miền ở Việt Nam, cho nên việc xử lý không dễ. Hoặc một hình ảnh hàng hóa đưa lên mạng, cơ quan có thẩm quyền nghi là hàng giả, nhưng khi đến kiểm tra cũng không xử lý được vì người bán hàng trưng bày hàng thật. Người vi phạm có thể có cả kho hàng nhưng đến nơi đã kịp tẩu tán, chỉ trưng ra một số ít hàng cũng gây khó khăn cho việc xác định giá trị hàng hóa vi phạm để ấn định mức phạt, mức bồi thường thiệt hại cho bên bị xâm phạm quyền. Mặt khác, lực lượng chức năng chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình xử lý vi phạm cũng là trở ngại lớn trong việc bảo vệ quyền SHTT trong thương mại điện tử.
Trước vấn nạn xâm phạm quyền SHTT trong môi trường thương mại điện tử, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp nên tự bảo vệ mình trước khi nhờ tới sự giúp đỡ của cơ quan có thẩm quyền. Luật sư Lê Xuân Lộc, Giám đốc SHTT của Công ty Luật TNHH T&G cho rằng, nhiều nước cũng gặp phải thách thức tương tự và việc tuyên truyền pháp luật vô cùng quan trọng. Để giảm thấp nhất việc xâm phạm quyền SHTT, chủ thể sở hữu trí tuệ phải biết cách tự bảo vệ mình bằng việc chủ động cung cấp thông tin nhiều hơn cho người tiêu dùng. Cơ quan chức năng nên giải thích, áp dụng các quy định một cách linh hoạt cho môi trường số, thí dụ như quy định liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của nhà cung cấp In-tơ-nét trung gian.
Phó Cục trưởng SHTT Lê Ngọc Lâm cho rằng, các cơ quan thực thi và các cơ quan liên quan cần rà soát các văn bản, cơ chế chính sách để sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bảo đảm có hành lang pháp lý đầy đủ cho việc bảo hộ SHTT trong môi trường thương mại điện tử; đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền SHTT bằng việc xây dựng văn bản, quy chế phối hợp hoạt động để giúp triển khai hoạt động thực thi quyền SHTT trong môi trường thương mại điện tử thuận lợi, dễ dàng hơn; cần đưa ra quy định về xử lý vụ việc vi phạm quyền SHTT trên môi trường số vào Luật SHTT sửa đổi và các văn bản liên quan. Bên cạnh đó, trách nhiệm đối với người cung cấp dịch vụ mạng như sàn giao dịch trực tuyến cũng phải được quy định cụ thể, khi vi phạm phải có nghĩa vụ tháo gỡ, loại bỏ yếu tố vi phạm. Về phía người tiêu dùng, cần nâng cao trách nhiệm của mình trong lĩnh vực này như trang bị kiến thức để bảo đảm quyền SHTT của mình hoặc phát hiện hành vi có nguy cơ tới xâm phạm có thể nhanh chóng thông báo cho cơ quan chức năng và chủ sở hữu hàng hóa biết để kịp thời ngăn chặn, xử lý.