Thành phần loài thực vật được sử dụng làm thức ăn của cộng đồng Chơ Ro tại khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai
Kiến thức sử dụng các loài thực vật từ rừng làm thực phẩm của cộng đồng người dân tộc là sản phẩm kết tinh văn hóa và kinh nghiệm qua nhiều thế hệ gắn bó với rừng và thiên nhiên.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, những kinh nghiệm ấy đang dần bị mai một theo thời gian bởi những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Để góp phần tìm hiểu, phân tích thành phần các loài thực vât làm thức ăn được cộng đồng Chơ Ro tại KBT TN - VH Đồng Nai sử dụng, Nguyễn Văn Hợp thuộc ĐH Lâm nghiệp đã tiến thành điều tra, thu thập mẫu và phân tích góp phần duy trì các loài thực vật có giá trị thiết thực này.
Bằng phương pháp phỏng vấn kết hợp với điều tra thực địa với sự chỉ dẫn của những người có kinh nghiệm thu hái, sử dụng thực vật làm thức ăn. Theo đó, chúng tôi đã ghi nhận được 110 loài thuộc 96 chi, 60 họ trong 3 ngành thực vật bậc cao có mạch là Dương xỉ (Polypodiophyta), Thông (Pinophyta) và Ngọc lan (Magnoliophyta). Có 11 dạng sống cùng tỷ lệ phần trăm cũng đã được xác định.
Kết quả nghiên cứu cũng đã ghi nhận được 9 bộ phận của các loài thực vật ăn được. Quả là bộ phận được sử dụng nhiều nhất gồm 50 lượt loài, chiếm 34,01%; tiếp đến là bộ phận lá với 32 lượt loài, chiếm 21,77%, ít nhất là củ với 3 loài, chiếm 2,04%. Có 6 nhóm thực phẩm được người dân nơi đây sử dụng làm thức ăn. Đặc biệt, nghiên cứu đã ghi nhận bổ sung 31 loài mới làm thức ăn, một bộ phận mới là bộ phận củ và một số cách chế biến, thưởng thức món ăn mới được cộng đồng Chơ Ro sử dụng làm thức ăn. Kết quả nghiên cứu là những tư liệu có ý nghĩa “văn hóa - sinh thái” quan trọng và mở ra hướng nghiên cứu sâu hơn về giá trị tri thức bản địa của cộng đồng Chơ Ro tại khu vực nghiên cứu.
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp số 1/2018 (ntbtra)