SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nhìn lại lịch sử cấy ghép tim nhân tạo

[26/04/2018 10:29]

Rất lâu trước đây không ai có thể tưởng tượng được rằng tim của người này có thể ghép được vào cơ thể của người kia. Nhưng qua thời gian, các nhà khoa học đã tiến hành những nghiên cứu y học và phẫu thuật tiên phong mà dẫn đến những thành công trong cấy ghép ngày hôm nay.

Cấy ghép tim nhân tạo có một lịch sử lâu đời (Ảnh: Reuters)

Dưới đây là lịch sử ngắn gọn của quá trình cấy ghép tim:

Những năm 1940 và 50, nhiều nghiên cứu được thực hiện và đem lại nhiều tiến bộ tuy nhỏ nhưng chắc chắn. Năm 1958, Dickinson Richards - chủ tịch Phòng Y tế Đại học Columbia và Andre Cournaud đã cùng được trao giải Nobel cho những nghiên cứu của họ về chức năng sinh lý của trái tim người khi sử dụng thông tim.  

Cùng năm đó, Keith Reemtsma - thành viên của Đại học Tulane, người sau này trở thành chủ tịch Khoa Phẫu thuật tại Trung tâm Y khoa Đại học Columbia, lần đầu tiên cho thấy các tác nhân ức chế miễn dịch sẽ kéo dài thời gian sống sót của tim được cấy ghép trong phòng thí nghiệm.

Năm 1967, bác sĩ Michael DeBakey đã cấy ghép thành công tâm thất trái nhân tạo cho một bệnh nhân ở Trường đại học Y khoa Baylor tại Houston.

Cũng trong năm 1967, Tiến sĩ Christiaan Barnard - một bác sĩ phẫu thuật ở Nam Phi đã tiến hành cấy ghép tim từ một người vào cơ thể của người khác. Nhóm phẫu thuật đã lấy trái tim của một phụ nữ 25 tuổi qua đời sau một tai nạn ô tô và đặt nó vào lồng ngực Louis Washkansky - một người đàn ông 55 tuổi chết vì tổn thương tim. Bệnh nhân sống sót được 18 ngày.

Ca cấy ghép tim lâm sàng đầu tiên này đã gây ra tiếng vang trên toàn thế giới, và nhiều bác sĩ phẫu thuật nhanh chóng áp dụng nó. Tuy nhiên, đa số các bệnh nhân đều mau chóng qua đời sau khi phẫu thuật, nên số lượng những ca ghép tim này giảm xuống nhanh chóng, từ 100 ca vào năm 1968, chỉ còn 18 ca vào năm 1970. Và người ta nhận ra rằng cơ chế tự nhiên của cơ thể là loại bỏ các mô mới.

Trong vòng 20 năm tiếp theo, những tiến bộ quan trọng trong việc phân loại mô và các loại thuốc ức chế miễn dịch cho phép nhiều ca cấy ghép diễn ra và tăng tỷ lệ sống sót của bệnh nhân. Sự phát triển đáng chú ý nhất trong lĩnh vực này là việc Jean Borel phát hiện ra cyclosporin - một loại thuốc ức chế miễn dịch có nguồn gốc từ nấm đất.

Năm 1969, Tiến sĩ Denton Cooley lần đầu tiên cấy ghép một trái tim nhân tạo hoàn chỉnh lên người, tuy nhiên nó chỉ mang tính tạm thời. Trái tim nhân tạo vĩnh viễn được Tiến sĩ Robert Jarvik tạo ra và được cấy ghép vào năm 1982. Những bệnh nhân sau khi được cấy ghép tim vẫn sống sót nhưng lại bị đột quỵ hay mắc các chứng bệnh liên quan.

Vào năm 1971, chương trình ghép tim tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia được bắt đầu. Đây là một phần của chương trình phẫu thuật điều tra do Tiến sĩ Keith Reemtsma khởi xướng. Vào thời điểm đó, Trung tâm Y tế Đại học Columbia là một trong số ít các trung tâm y tế trong nước tích cực tham gia vào nghiên cứu cấy ghép tim. Ca cấy ghép tim đầu tiên của Trung tâm được tiến hành bởi Tiến sĩ Reemtsma vào năm 1977, và tỷ lệ sống sót của bệnh nhân bắt đầu cải thiện đáng kể. Bệnh nhân duy trì sự sống trong 14 tháng tiếp theo. Hai ca cấy ghép bổ sung cũng được thực hiện trong năm đó.

Nhờ sự kiên trì của những người tiên phong trong nghiên cứu ức chế miễn dịch, những bệnh nhân được ghép tim đã có thể tăng tuổi thọ của mình lên một cách đáng kể. Loại thuốc ức chế miễn dịch đầu tiên được sử dụng trong cấy ghép cơ quan là corticosteroid. Đến ngày nay, đây vẫn là loại thuốc ức chế miễn dịch phổ biến nhất được sử dụng trong cấy ghép.

Năm 1984, lần đầu tiên trên thế giới các bác sĩ đã thực hiện thành công ca ghép tim cho một cậu bé bốn tuổi ở Columbia. Cậu có 2 lần ghép tim nữa vào năm 1989 và sống cho đến khi qua đời vào năm 2006 do các vấn đề sức khỏe khác.

Cũng vào năm 1984, tại California bác sĩ Leonard Bailey đã cấy một trái tim của khỉ đầu chó vào một bé gái mới sinh được 12 ngày tuổi. Cô bé sống được 20 ngày.

Bé gái 12 ngày tuổi được ghép tim (Ảnh: Gettyimages)

Trong suốt thập niên 1980 và vào những năm 90, các bác sĩ tiếp tục tinh chỉnh kỹ thuật để cân bằng liều lượng thuốc ức chế miễn dịch nhằm bảo vệ trái tim mới nhưng vẫn giúp bệnh nhân có đủ chức năng miễn dịch để ngăn chặn nhiễm trùng.

Năm 1994, một loại thuốc mới ra đời tên là tacrolimus hay còn được gọi là FK-506. Thuốc được phát hiện trong một mẫu nấm và đã được phê chuẩn để giúp ức chế miễn dịch ở bệnh nhân cấy ghép tim. Các công thức mới hơn của thuốc hiện nay cho phép bệnh nhân sử dụng liều thuốc ít hơn nhưng hiệu quả cao hơn và ít độc hại hơn.

Stan Larkin (Ảnh: Trường đại học Michigan)

Năm 1995, công ty Carmat cho ra đời một mẫu tim nhân tạo nặng gần 2 kg. 18 năm sau đó (12.2013) tim Carmat lần đầu tiên được ghép vào con người, tuy nhiên bệnh nhân tử vong 75 ngày sau khi phẫu thuật. Carmat thực hiện 4 cuộc thực nghiệm sau đó nhưng cũng thất bại.

Sau nhiều lần cải tiến, Carmat tiếp tục khởi động giai đoạn 2 của việc thử nghiệm. Trong tháng 10 và 11/2017, tim Carmat được ghép cho hai bệnh nhân ở Kazakhstan và Cộng hoà Czech. Carmat hy vọng quá trình thử nghiệm sẽ kết thúc trong năm nay để có thể đạt được chứng nhận của châu Âu, trước khi bán sản phẩm ra tại châu Âu vào năm 2019 và tại Mỹ vào năm 2020.

Có một sự kiện hi hữu là một người đàn ông 25 tuổi tên là Stan Larkin đã sống được 1 năm nhưng không hề có trái tim. Và vào năm 2016, anh được ghép trái tim nhân tạo SynCardia. Sau khi phẫu thuật, Larkin phải “đeo” trái tim nhân tạo bên mình 24/7 trong 555 ngày để giúp máu được bơm đi khắp cơ thể và giữ cho Larkin sống sót.

Thực sự có rất nhiều người đang chờ để cấy ghép tim nhưng số tim hiện có trong các ngân hàng bệnh viện thì rất hiếm hoi. Vì vậy, những ca cấy ghép tim nhân tạo lâm sàng như vậy sẽ giải quyết được vấn đề này. Và lĩnh vực cấy ghép tim nhân tạo đến hiện nay vẫn là vấn đề nóng bỏng và nhận được nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu.

www.khampha.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài