Thách thức nào đang chờ blockchain ở Việt Nam?
Blockchain được kỳ vọng có thể làm nên một cuộc cách mạng với nhiều ưu việt. Các ngành y tế, nông nghiệp, tài chính... sẽ có nhiều thay đổi khi đưa blockchain vào để giải quyết những bài toán khó về tính minh bạch, tin cậy và giảm tối đa chi phí giao dịch, thanh khoản.
Ông Quân Lê (áo vest đen) và ông Trần Huy Vũ (áo trắng giữa) chia sẻ những quan điểm về blockchain. Ảnh: Tomochain
Ưu điểm của blockchain
Hồi cuối tháng 3, Binkabi đã phối hợp với Tomochain để ứng dụng công nghệ blockchain vào giải quyết các vấn đề trong chuỗi giá trị nông nghiệp ở các nước phát triển. Khách hàng của Binkabi đến từ Ấn Độ, Dubai và giao dịch mua hàng ở châu Á, châu Phi. Người mua và bán đến từ các châu lục, quốc gia khác nhau, họ không hề quen biết và không nhất thiết phải tin tưởng lẫn nhau, tuy nhiên các giao dịch vẫn diễn ra một cách dễ dàng, minh bạch, đáng tin cậy, bởi blockchain có khả năng mã hóa mọi hàng hóa có thật, dù đó là 1 tấn gạo hay 1kg xoài.
Bên cạnh đó, khi đưa blockchain vào chuỗi giá trị, các giao dịch sẽ không cần phải qua trung gian, giảm tối đa chi phí giao dịch, ông Quân Lê, CEO của Binkabi cho biết. Mặt khác, lợi thế của blockchain là tính toàn cầu chứ không chạy riêng ở Việt Nam. Vì thế, sử dụng blockchain là cơ hội cho những ai mong muốn những cuộc chơi toàn cầu.
Trong khi đó ở lĩnh vực tài chính, blockchain tạo ra các sàn giao dịch có ưu thế hơn hẳn những sàn truyền thống. Theo ông Trần Huy Vũ, Co-founder của Keyber Network, những người muốn giao dịch trên các sàn truyền thống phải gửi tiền vào sàn. Điều này vừa gây mất thời gian (do phải chuyển đi chuyển lại và chờ đợi các bên xác nhận) vừa làm giảm khả năng người sở hữu tiền kiểm soát dòng tiền của mình. Nếu sàn giao dịch bị tấn công, họ sẽ là người chịu rủi ro.
Trong khi đó, các giao dịch trên sàn của blockchain được thực hiện tức thời và diễn ra ngay trên ví (tài khoản) người dùng. Nếu như ở sàn truyền thống, mỗi người lựa chọn việc gửi tiền vào một sàn giao dịch hoặc một ngân hàng dựa trên niềm tin của họ với đơn vị đó, thì với các sàn giao dịch mới như Keyber, cái mà người gửi đặt niềm tin là các smart contruct (hợp đồng thông minh).
Ông Vũ lý giải: “Blockchain đã chuyển từ việc giao dịch với người sang giao dịch với máy. Bạn sở hữu mã token của Keyber không phải vì bạn tin tưởng tôi hay bất cứ ai ở Keyber, mà vì bạn tưởng vào các smart contruct, code – ngôn ngữ của máy với những thuật toán bất biến. Xu hướng này nằm trong quá trình tự động hóa, thay vì con người ngồi bàn giao dịch thì các hợp đồng được thực hiện theo đúng quy tắc được hoạch định trước đó”.
Kỳ vọng nhiều vào những thay đổi mà blockchain có thể mang lại, tuy nhiên, các kỹ sư công nghệ cũng cho rằng, thứ họ sẽ phải đối mặt là trải nghiệm người dùng (user experience). Đặc biệt, đối tượng sử dụng ứng dụng mà Binkabi có cả những người nông dân. Do vậy, yêu cầu sản phẩm dễ sử dụng, an toàn, chi phí thấp được đặt lên hàng đầu.
“Làm sao để người dùng không cần phải học quá nhiều, có thể sử dụng được ngay là bài toán cần giải quyết. Với mỗi sản phẩm, người dùng là quan trọng nhất. Vì thế khi phát triển, chúng tôi sẽ chuyển đổi dần để từng bước đào tạo” – đại diện Binkabi nói.
Đồng ý với ý kiến trên, đại diện của Keyber Network cũng cho biết họ đang gặp nhiều vấn đề về trải nghiệm người dùng. Để khắc phục, Keyber phát triển nhiều ứng dụng vệ tinh, giúp người dùng có nhiều cơ hội tương tác với các app. Ông Vũ cũng không ngần ngại thừa nhận “việc phát triển các app vệ tinh giải quyết bài toán về trải nghiệm người dùng đều thuộc dạng khó và đòi hỏi kỹ thuật cao”, nhưng đó là điều bắt buộc phải làm để giữ chân người dùng.
Blockchain là câu chuyện của lòng tin
Nêu quan điểm của mình về những tác động của blockchain đến những thay đổi của nền kinh tế, ông Trần Anh Dũng - Founder của MOG cho rằng, về mặt lý tưởng, blockchain sẽ dẫn đến một nền kinh tế mới. Trong đó, các thành phần kinh tế sẽ tương tác theo một cách mới, với một đồng tiền mới, dòng chảy về tiền hoàn toàn mới, một cách rất minh bạch mà mọi người không thể lừa nhau. Nhưng điều kiện tiên quyết là các nền tảng blockchain phải có token.
“Hợp đồng thông minh – thứ được xem là ưu điểm của blockchain- không thể vận hành nếu không có token” – ông Dũng nói.
Cần phải nhắc lại rằng, việc chuyển từ sàn truyền thống sang sử dụng sàn ứng dụng blockchain, tức là chuyển đổi từ sàn tập trung sang phi tập trung. Khi đó, các hợp đồng riêng (private contruct) chuyển thành hợp đồng của cả cộng đồng. Điều này có nghĩa là, niềm tin được chuyển từ một người thành một cộng đồng trong ứng dụng đó.
Startup MOG hiện đang hoạt động trong 5 lĩnh vực quảng cáo online, thanh toán điện tử, ví điện tử, tiện ích di động, giải trí game và kết nối bán lẻ. CEO Trần Anh Dũng khẳng định, MOG có nhiều bài toán mà blockchain có thể giải quyết. Tuy nhiên, lâu nay, startup này vẫn chỉ dừng ở bước nghiên cứu, tìm hiểu. Tuy có thể có hàng trăm nghìn đơn hàng phải xử lý mỗi tháng cùng lượng tài sản khổng lồ của các doanh nghiệp, MOG vẫn chưa mạnh dạn đặt chân vào địa hạt này.
Ông Dũng lý giải rằng, blockchain hay hợp đồng thông minh sẽ có vai trò giống như internet, là nền tảng để phát triển các ứng dụng. Tuy nhiên, công nghệ này hiện nay cũng giống như internet của thời kỳ đầu, phải cần 5-10 năm để trưởng thành.
Mặc dù kỳ vọng của các nhà đầu tư và nhà phát triển phần mềm rất lớn nhưng ông Dũng nhấn mạnh: “Khó có thể thuyết phục các khách hàng chuyển tài sản lên blockchain ở thời điểm này, nhất là khi nó chưa đủ mạnh để tạo ra những cuộc cách mạng cho nền kinh tế. Đây là vấn đề lòng tin. Khách hàng sẽ đặt cho chúng tôi câu hỏi, tài sản của họ có được đảm bảo không? Dù thế nào, trình độ công nghệ hiện tại của blockchain để áp dụng vào thực tế vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể giải quyết” - ông Dũng nói.
Việc giảm tối đa chi phí giao dịch của blockchain thực tế vẫn là vấn đề của tương lai. Hiện tại, thời gian và chi phí giao dịch của blockchain vẫn còn cao. Vì thế, nếu áp dụng, những khách hàng như doanh nghiệp của ông Dũng sẽ gặp phải quá nhiều vấn đề liên quan đến cấu trúc chi phí và lợi nhuận.
Với kinh nghiệm phát triển Keyber Network, Trần Huy Vũ thừa nhận, blockchain chưa chín muồi và việc đưa công nghệ này vào giải quyết yêu cầu của thực tế còn nhiều khó khăn. “Đến nay, công nghệ blockchain vẫn đang trong thời kỳ đầu phát triển, các nền tảng cho phép thực hiện những kỳ vọng của con người vẫn đang được hoàn thành, chưa thể tạo ra bất cứ sự thay đổi đáng kể nào. Tuy nhiên, nếu nắm bắt và theo kịp công nghệ này, Việt Nam sẽ có cơ hội rút ngắn khoảng cách với thế giới trong việc phát triển các ứng dụng phi tập trung” – ông Vũ nói.