SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng phương trình sinh khối trên cây Keo lai ở các cấp tuổi 4, 5 và 6 tại khu vực U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau

[26/04/2018 14:34]

Nghiên cứu do các tác giả: Lê Tấn Lợi, Lý Trung Nguyên, Nguyễn Minh Hiền và Nguyễn Văn Út Bé - Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm

Cây tràm bản địa tại rừng U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau là loài đã có mặt lâu đời và đóng vai trò quan trọng đối với đời sống dân cư, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong những năm gần đây thì cây tràm dần dần tỏ ra yếu thế trong việc đem lại nguồn thu nhập cho người dân do chu kỳ khai thác dài và hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã bổ sung cây Keo Lai vào danh sách được phép trồng trên đất rừng sản xuất tại Cà Mau với mục đích gia tăng sản lượng rừng và nâng cao đời sống kinh tế người dân. Đây là loại cây có khả năng sinh trưởng nhanh và cho chu kỳ thu hoạch ngắn trong khoảng 4 đến 5 năm, cây cho năng suất gỗ cao và gỗ có thể sử dụng làm nguyên liệu giấy, dăm, rất có giá trị thương mại (Lê Đình Khả và Lê Quang Phúc, 1999). Cây Keo Lai với ưu thế thích nghi cao, sinh trưởng nhanh và cải tạo đất, đặc biệt trên đất thoái hóa, cằn cỗi, nghèo dinh dưỡng nên các loài Keo là một trong những nhóm loài đã được chọn làm cây trồng rừng chính ở Việt Nam với quy mô lớn (Nguyễn Hoàng Nghĩa, 2003). Đến nay, khu vực U Minh Hạ đã trồng được hơn 7.400 ha Keo Lai trên tổng diện tích 33.500 ha quy hoạch cho trồng rừng sản xuất, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 12.000 ha (Nguyễn Thành Thuân, 2016). Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác và đánh giá năng suất, chất lượng rừng sao cho hợp lý ở các cấp độ tuổi khác nhau vẫn chưa được xác định rõ. Vì thế, việc xác định hiệu quả năng suất và chất lượng của các cấp tuổi cây Keo Lai cần được đánh giá nhanh bằng các phương trình tương quan là điều rất cần thiết cho công tác quản lý và người trồng rừng. Xuất phát từ thực tế đó, đề tài “Xây dựng phương trình tính sinh khối trên cây Keo Lai ở các cấp tuổi 4, 5 và 6 tại khu vực U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau” được thực hiện.

Mục tiêu đề tài là xây dựng các phương trình tương quan để tính toán sinh khối và hấp thu CO2 của cây Keo Lai (Acacia hybrid) tại khu vực U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau. Thí nghiệm được bố trí tại Trạm thực nghiệm Kênh Đứng tại U Minh Hạ Cà Mau thuộc Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Lâm Nghiệp Tây Nam Bộ. Ba ô tiêu chuẩn được chọn tương ứng với 3 cấp tuổi 4, 5 và 6. Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp HARTIG để thu thập số liệu và tính tương quan giữa các thông số sinh khối, chiều cao vút ngọn (Hvn), thể tích cây và đường kính ngang ngực (D1,3). Đề tài đã tổng hợp, phân tích và lựa chọn được 27 phương trình tính sinh khối cho 3 cấp tuổi Keo Lai có hệ số tương quan cao (0,861 < r < 0,985 và P < 0,001) có dạng Y= a + b.X và Y= a + b.X + c.Z. Nghiên cứu cũng chọn 3 phương trình tương quan giữa sinh khối tươi với đường kính ngang ngực và 3 phương trình tương quan giữa sinh khối khô với đường kính ngang ngực được sử dụng để xác định sinh khối tươi, sinh khối khô, từ đó tính khả năng hấp thu CO2 của quần thể cây Keo Lai trong điều kiện cụ thể tại vùng nghiên cứu.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Số Môi trường 2017
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ