Nghiên cứu khả năng cung cấp đạm của nước thải Biogas cho đất
Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Phương Thảo, Trần Đức Thạnh, Bùi Thị Nga - Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ; Châu Minh Khôi - Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: sưu tầm
Nước thải biogas với hàm lượng chất hữu cơ, tổng đạm, tổng lân khá cao (Nguyễn Thị Kiều Phương, 2011), có thể sử dụng làm phân bón cho sản xuất rau màu (Ngô Kế Sương và Nguyễn Lân Dũng, 1997). Chất dinh dưỡng có trong nước thải biogas cao hơn so với phân chuồng và phân ủ theo phương pháp thông thường, ngoài các dưỡng chất như N, P, K, nước thải biogas còn chứa nhiều chất hữu cơ và các nguyên liệu cần thiết cho cây trồng (Nguyễn Hoài Nam, 2014). Nước thải biogas đã được nghiên cứu tưới cho một số loại cây trồng như cải xanh và rau xà lách (Ngô Quang Vinh, 2010), vạn thọ (Bùi Thị Nga và ctv., 2015), ớt (Phạm Việt Nữ và ctv., 2015) và đậu bắp (Bùi Thị Nga và ctv., 2016). Theo Nguyễn Quang Khải (2009) các nguyên tố NPK của nguyên liệu sau khi phân hủy qua hệ thống biogas hầu như không bị tổn thất mà được chuyển hóa thành dạng phân lỏng mà cây dễ hấp thụ như N-NH4+, N-NO3- , đồng thời chứa chất hữu cơ cao cải thiện tính chất đất, giúp cây phát triển mạnh, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, khả năng cung cấp N-NH4+, N-NO3- của nước thải biogas cho đất và sự hiện diện của vi sinh vật khi sử dụng nước thải biogas vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu. Do vậy, “Nghiên cứu khả năng cung cấp đạm của nước thải biogas cho đất” đã được thực hiện là cần thiết.
Thí nghiệm được tiến hành nhằm đánh giá khả năng cung cấp đạm amôn và đạm nitrat cho đất từ nước thải biogas. Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức: đất được bổ sung 100% nước khử khoáng (đối chứng), bổ sung 50% nước thải biogas và 50% nước khử khoáng, bổ sung 75% nước thải biogas và 25% nước khử khoáng, và bổ sung 100% nước thải biogas. Kết quả cho thấy hàm lượng N-NH4+ và N-NO3- trong đất được cung cấp nước thải biogas với thể tích khác nhau đều cao khác biệt có ý nghĩa so với nghiệm thức đối chứng. Hàm lượng N-NH4+ và N-NO3- trong đất được cung cấp 100% nước thải biogas đạt giá trị tương ứng là 171±5,45 mg/kg và 78,9±3,08 mg/kg. Khả năng cung cấp đạm tăng tương ứng với sự hô hấp của vi sinh vật đất được thể hiện qua hàm lượng CO2 tích lũy trong đất, đạt cao nhất ở nghiệm thức 100% nước thải biogas (855 mgCO2/kg) và đạt giá trị thấp hơn với các thể tích nước thải biogas bổ sung thấp tương ứng. Kết quả thí nghiệm cho thấy sự gia tăng hàm lượng đạm có tương quan thuận với sự tích lũy CO2 trong đất, điều này cho thấy sự hiện diện vi sinh vật trong đất có liên quan với thể tích bổ sung nước thải biogas và lượng đạm hữu dụng trong đất.
Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Số Môi trường 2017