SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá các tiêu chí của công nghệ cao trong sản xuất lúa và rau màu ở huyện Thoại Sơn và Châu Phú – An Giang

[26/04/2018 15:50]

Nghiên cứu do các tác giả: Phan Chí Nguyện, Phạm Thanh Vũ, Võ Quang Minh, Võ Thanh Tâm và Võ Việt Thanh - Khoa Môi Trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ ; Lê Quang Trí - Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: baomoi.com

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và là giải pháp để giải quyết vấn đề an ninh lương thực, nâng cao chất lượng nông sản và thân thiện với môi trường.

Hiện nay, ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp đã nhân rộng ở các nước đã và đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Từ khi Luật công nghệ cao ra đời (Quốc hội, 2008) thì việc áp dụng công nghệ cao càng phát triển mạnh và đã mang lại những hiệu quả thiết thực thể hiện được ưu thế vượt trội so với phương pháp sản xuất truyền thống (Phạm Văn Hiển, 2014).

An Giang là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp lúa và rau màu lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, những năm gần đây tỉnh cũng đã đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp và thu nhận được những kết quả rất khả quan (Đinh Thị Việt Huỳnh, 2015). Tuy vậy, việc ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập như: kinh phí đầu tư ban đầu lớn, về tích tụ ruộng đất và hạ tầng cơ sở khu vực nông thôn, nguồn lực, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, kinh nghiệm sản xuất còn hạn chế (Phạm Văn Hiển, 2014).

Vì vậy, nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá mức độ quan trọng của các tiêu chí trong sản xuất lúa (huyện Thoại Sơn) và rau màu (huyện Châu Phú) ứng dụng công nghệ cao ở tỉnh An Giang.

Nghiên cứu đã sử dụng các số liệu, tài liệu về nông nghiệp công nghệ cao; các văn bản pháp luật, nghị định, thông tư, chính sách nông nghiệp công nghệ cao; sử dụng phương pháp phỏng vấn nông hộ, sử dụng PRA và kiến thức chuyên gia. Đánh giá mức độ quan trọng của các tiêu chí sản xuất lúa và rau màu ứng dụng công nghệ cao đã sử dụng phương pháp phân tích thứ bậc (AHP) và đánh giá đa tiêu chí (MCE). Kết quả nghiên cứu đã xác định được 4 tiêu chí cấp 1 và 22 tiêu chí cấp 2 phục vụ cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các mức độ quan trọng của từng tiêu chí. Trong 4 tiêu chí cấp 1 thì tiêu chí kỹ thuật có mức quan trọng cao nhất kế đến là tiêu chí kinh tế, xã hội và môi trường để phát triển sản xuất lúa và rau màu ứng dụng công nghệ cao trong vùng nghiên cứu. Đối với tiêu chí cấp 2 được xác định là thị trường tiêu thụ sản phẩm quan trọng nhất trong 22 tiêu chí được xác định thông qua kết quả phỏng vấn nông hộ.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Số Môi trường 2017
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ