Đánh giá hiệu quả mô hình sản xuất lúa truyền thống và cánh đồng lớn tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng
Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Linh, Lê Phan Đình Huấn, Huỳnh Văn Phụng, Phan Kỳ Trung, Nguyễn Văn Bé, Văn Phạm Đăng Trí - Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ; Nguyễn Thị Mỹ Linh - Khoa Kỹ thuật Công nghệ - Môi trường, Trường Cao đẳng Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: tintucnongnghiep.com
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm sản xuất lúa của cả nước, sản lượng hàng năm trên 50% tổng sản lượng lúa quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước (Tổng cục Thống kê, 2015). Tuy nhiên, ĐBSCL đã và đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, trong đó là sự thay đổi nguồn tài nguyên nước mặt (Nguyễn Trần Khánh và ctv., 2015; Trần Văn Tỷ và ctv., 2016). Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang gây ra những hiện tượng cực đoan (Trần Thục và ctv., 2016) dẫn đến các tác động bất lợi cho hệ thống canh tác nông nghiệp (Wassmann et al., 2004; Nguyễn Thanh Bình và ctv., 2012) với lúa là hệ thống canh tác chính (Nguyễn Thị Mỹ Linh và ctv., 2014).
Sóc Trăng là tỉnh nằm ven biển ĐBSCL, đóng góp lớn sản lượng lúa gạo vào tổng sản lượng của vùng. Trong những năm gần đây, xâm nhập mặn và khô hạn đã tác động và gây thiệt hại lớn đến hệ thống canh tác lúa của Sóc Trăng, nhất là tại các vùng sản xuất ven biển (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2012). Thiệt hại trong canh tác lúa ở các tỉnh phía nam sông Hậu có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp (Võ Văn Tuấn và Lê Cảnh Dũng, 2015), việc sản xuất lúa theo mô hình sản xuất truyền thống có chi phí đầu tư cao nhưng lợi nhuận ngày càng giảm vì giá lúa không ổn định (Lê Cảnh Dũng và Võ Văn Tuấn, 2014).
Nhằm thích ứng với BĐKH và từng bước xây dựng thương hiệu với vùng nguyên liệu chất lượng cao, ĐBSCL đã phát triển mô hình cánh đồng lớn thực hiện theo Nghị quyết 21/2011/QH13 ngày 29 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cần phải xem xét tính phù hợp và đánh giá hiệu quả về các khía cạnh kinh tế - xã hội - môi trường so với mô hình sản xuất lúa trước đó nhằm phát triển bền vững trong tương lai. Bên cạnh đó, các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mô hình cánh đồng lớn mang lại hiệu quả mục tiêu kinh tế hơn mô hình sản xuất truyền thống (Phạm Văn Mến, 2015). Tuy nhiên, hiệu quả mục tiêu xã hội và môi trường của các mô hình sản xuất này chưa được đánh giá.
Vì vậy, đề tài “Đánh giá hiệu quả mô hình sản xuất lúa truyền thống và cánh đồng lớn tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng” được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Qua đó, nghiên cứu đề xuất phát triển mô hình sản xuất phù hợp cho vùng nghiên cứu.
Nghiên cứu áp dụng phương pháp phân tích chi phí - lợi ích, chuẩn hóa số liệu, thang đo Likert, tiếp cận giá trị mong đợi để phân tích và tổng hợp các số liệu được phỏng vấn từ nông hộ. Các chỉ tiêu dựa trên các tiêu chí đánh giá đất đai của tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (2007) và các nghiên cứu đã được thực hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả cho thấy mô hình cánh đồng lớn cho tổng số điểm 3 mục tiêu (kinh tế, xã hội và môi trường) lớn hơn mô hình truyền thống với số điểm lần lượt là 0,99 và 0,73. Nhìn chung, cánh đồng lớn đã khẳng định là một phương thức sản xuất lúa tiên tiến góp phần tạo động lực cho sự phát triển nông nghiệp cho thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.
Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Số Môi trường 2017