SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

So sánh ảnh hưởng của việc sử dụng đơn lẻ và kết hợp hoạt chất fenobucarb và chlorpyrifos ethyl cho lúa đến cholinesterase ở cá lóc (Channa striata) sống trên ruộng

[26/04/2018 16:52]

Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Văn Toàn, Đào Trọng Ngữ, Nguyễn Văn Bé, Phạm Văn Toàn, Trịnh Diệp Phương Danh và Nguyễn Văn Công - Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trồng lúa trọng điểm của Việt Nam, hàng năm tạo ra hơn 50% sản lượng lúa của quốc gia (www.gso.gov.vn). Để có được sản lượng lúa cao, nông dân không ngừng tăng cường sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) (Heong et al., 1998). Kết quả điều tra từ 2007 đến 2010 cho thấy thuốc BVTV lân hữu cơ - hoạt chất chlorpyrifos ethyl và carbamate - hoạt chất fenobucarb được sử dụng phổ biến trong canh tác lúa ở Hậu Giang (Nguyễn Văn Công và ctv., 2012), Cần Thơ và Đồng Tháp (Berg and Tam, 2012). Qua đó cho thấy tính phổ biến và được ưa chuộng sử dụng trong canh tác lúa của hai hoạt chất này ở ĐBSCL.

Mặc dù thuốc BVTV gốc lân hữu cơ, carbamate không tồn tại lâu trong môi trường nhưng có độc cấp tính rất cao đối với những loài động vật có xương sống và không xương sống (Fulton and Key, 2001). Đặc điểm gây hại cho động vật của thuốc BVTV lân hữu cơ và carbamate là gây ức chế enzyme cholinesterase (ChE) (Peakall, 1992). Khi enzyme bị ức chế 70% sẽ làm đa số sinh vật chết và 30% bị ức chế được đề nghị là ngưỡng tối đa cho phép (Fulton and Key, 2001; Aprea et al., 2002). Cá lóc (Channa striata) thường lên ruộng sinh sản vào mùa mưa (Amilhat and Lorenzen, 2005) nên có nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng từ sử dụng thuốc BVTV cho lúa. 

Để tiết kiệm chi phí phun thuốc cho lúa, các nhà sản xuất thường hỗn hợp các hoạt chất lại với nhau. Người dân sử dụng những sản phẩm phối trộn có sẵn, hoặc tự hỗn hợp trong một lần phun để phòng ngừa và tiêu diệt được nhiều loài sâu hại khác nhau mà chỉ tốn một lần công phun thuốc. Việc trộn hỗn hợp hai hay nhiều chất với nhau có thể làm giảm, tăng hay không ảnh hưởng đến độc tính của hỗn hợp.

Nghiên cứu này nhằm so sánh ảnh hưởng của sử dụng đơn lẻ và phối trộn Bascide 50EC - hoạt chất fenobucarb và Mondeo 60EC – hoạt chất chlorpyrifos ethyl với nhau cho lúa đến hoạt tính cholinesterase (ChE) ở cá lóc sống trên ruộng. Thí nghiệm trên Cá lóc (C. striata) có trọng lượng trung bình từ 2,5 - 3g/con được thuần dưỡng trong bể composite 600 lít ở mật độ 200 con/bể trong 3 tuần trước khi thí nghiệm. Cá được cho ăn bằng thức ăn viên (Cargill, mã số 7574, 40 độ đạm, kích thước viên  3 mm) với lượng 3 -5% trọng lượng cá trên ngày. Cá chọn thí nghiệm phải khỏe mạnh (không xuất hiện cá chết và bơi lội bình thường) và đồng cỡ. Chín ruộng ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang giữ được nước (độ sâu ngập trên ruộng #20 cm) được chọn để tiến hành từng thí nghiệm trong vụ Hè Thu năm 2013. Lúa thí nghiệm được sạ 45 ngày tuổi ở mật độ từ 22 kg lúa/1000 m2 (Bảng 1). Kết quả cho thấy sử dụng đơn lẻ Bascide 50EC, Mondeo 60EC hay kết hợp Bascide 50EC và Mondeo 60EC cho lúa đều gây ức chế ChE ở cá lóc. Phun Bascide 50EC cho lúa làm ức chế ChE cá lóc không quá 30% nhưng sử dụng Mondeo 60EC hay kết hợp Bascide 50EC và Mondeo 60EC không những làm chết cá mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng (tỷ lệ ức chế ChE >70%) và lâu dài đến ChE.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Số Môi trường 2017
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ