Đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn và các yếu tố kinh tế - xã hội đến sản xuất nông nghiệp huyện Vũng Liêm – tỉnh Vĩnh Long
Đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn và các yếu tố kinh tế - xã hội đến sản xuất nông nghiệp huyện Vũng Liêm – tỉnh Vĩnh Long
Ảnh: vov1.vov.vn
Khí hậu thay đổi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống nhân dân, tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Nghiên cứu của Connor et al. (2012) chỉ ra rằng việc am hiểu về sự biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp sẽ giúp ta chủ động trong sản xuất để có thể thích ứng với những thay đổi trong nguồn cung cấp nước trung bình và làm thế nào để có thể đáp ứng với những thay đổi của nguồn cấp nước và độ mặn.
Kết quả nghiên cứu của Iglesias et al. (2011) cho thấy tầm quan trọng của hiệu quả sử dụng nước để ứng phó đối với các tác động xấu của khí hậu và cần thay đổi cách thức khuyến nông để thích ứng. Theo Lê Hồng Việt và ctv. (2015), phải theo dõi diễn biến của xâm nhập mặn trong nhiều năm để đánh giá chính xác ảnh hưởng của xâm nhập mặn trong nước và đất nông nghiệp trước khi đưa ra những khuyến cáo về cơ cấu mùa vụ và cây trồng thích hợp trong điều kiện xâm nhập mặn trong tương lai tại địa phương. Bên cạnh đó, Lâm Mỹ Phụng và ctv. (2013) nhận định rằng trong điều kiện nước biển dâng, mặn sẽ xâm nhập sâu vào trong các hệ thống sông/kênh; mặc dù vậy, nếu các cống được vận hành theo thiết kế ban đầu thì xâm nhập mặn có thể được hạn chế. Như vậy, đã có nhiều tác giả nghiên cứu về ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến kiểu sử dụng đất cũng như sinh kế người dân nhưng chủ yếu là các vùng ven biển, dễ bị tổn thương (Phan Chí Nguyện, 2015), trong khi ở vùng sâu trong nội địa các nhà khoa học còn chủ quan cho rằng ít ảnh hưởng nên chưa chủ động nghiên cứu.
Thực tế ở Vĩnh Long cho thấy yếu tố xâm nhập mặn sẽ là một trong các yếu tố tác động mạnh mẽ đến sử dụng đất của tỉnh trong điều kiện biến đổi khí hậu thời gian tới (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long, 2015). Có thể thấy rõ những tháng đầu năm 2016, độ mặn đo được ở các sông chính của huyện Vũng Liêm đã lên 40/00 (phần ngàn), so với độ mặn cao nhất tháng 12/2014 chỉ 3,60/00, tháng 2/2013 chỉ 20/00 (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long, 2016). Như vậy, độ mặn đã bắt đầu có xu hướng đến sớm hơn, với nồng độ ngày càng cao hơn và len lỏi sâu vào hệ thống sông rạch tỉnh Vĩnh Long, nhất là vùng hạ nguồn thuộc huyện Vũng Liêm. Thêm vào đó, diễn biến cực đoan của khí hậu như: các đợt hạn, kéo theo xâm nhập mặn sâu trong nội đồng là chuyện thường xảy ra. Điều này đặt ra vấn đề cần phải có các nghiên cứu về điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội trong vùng sản xuất nông nghiệp có nguy cơ bị xâm nhập mặn để bảo vệ kiểu sử dụng đất hiện tại hoặc thay đổi bằng một kiểu sử dụng khác phù hợp với thực tiễn. Vì thế, đề tài “Đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn và các yếu tố kinh tế xã hội đến sản xuất nông nghiệp huyện Vũng Liêm tỉnh Vĩnh Long” được thực hiện với mong muốn tiếp cận ở một góc độ khu vực nghiên cứu là vùng chịu ảnh hưởng tiêu cực và trong tư thế chưa chủ động ứng phó xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu như hiện nay; đồng thời xác định các yếu tố về kinh tế xã hội tác động đến sử dụng đất nông nghiệp của huyện để định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.
Nghiên cứu đã dùng phương pháp nội suy từ các điểm quan trắc độ mặn để thành lập nên bản đồ xâm nhập mặn của huyện Vũng Liêm. Bên cạnh đó, thực hiện phỏng vấn nông hộ, thống kê phân tích và xử lý bản đồ bằng GIS. Kết quả đã xác định được 03 vùng bị xâm nhập mặn, trong đó xã Trung Thành Tây, Trung Thành Đông là vùng có mức độ ảnh hưởng cao nhất đến mô hình trồng màu, trồng lúa và cây ăn trái. Nghiên cứu đã xác định được mức độ ảnh hưởng của điều kiện kinh tế - xã hội như tổng lợi nhuận/ha, thị trường tiêu thụ, tập huấn kỹ thuật, chính sách hỗ trợ, tập quán canh tác, nước tưới và thời gian mặn, ngọt trong năm tác động đến sản xuất nông nghiệp của huyện. Kết quả này là nền tảng để đề xuất các giải pháp về công trình và phi công trình nhằm giảm thiểu mức độ tác động cho sản xuất nông nghiệp.
Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Số Môi trường 2017