SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của Iprobenfos lên tỷ lệ sống, enzyme cholinesterase và sinh trưởng của cá rô đồng (Anabas testudineus)

[27/04/2018 10:53]

Nghiên cứu do các tác giả: Trần Sỹ Nam, Hồ Vũ Khanh, Châu Quan Tâm, Võ Chí Linh, Nguyễn Văn Công - Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng nông nghiệp trọng điểm sản xuất ra khoảng 56,1% sản lượng lúa của cả nước (Tổng cục Thống kê, 2015). Để đảm bảo được sản lượng, người dân có thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với liều lượng cao hơn chỉ dẫn, chủ yếu sử dụng thuốc BVTV thuộc các nhóm lân hữu cơ, carbamate và cúc tổng hợp (Ngô Tố Linh và Nguyễn Văn Công, 2009). Bệnh đạo ôn là một dịch hại xuất hiện phổ biến trên cây lúa ở ĐBSCL (Vũ Anh Pháp, 2013). Để trị bệnh này nông dân thường sử dụng thuốc BVTV chứa hoạt chất Iprobenfos như Kian 50EC, Kisaigon 50 ND, Dacbi 20WP, 800WP, Superbem 750WP,… để trị bệnh đạo ôn. Hoạt chất Iprobenfos thuộc nhóm lân hữu cơ, có công thức phân tử C13H21O3PS và có cơ chế gây độc cho sinh vật qua ức chế enzyme cholinesterase - enzyme có chức năng quan trọng trong hoạt động của hệ thần kinh ở động vật (Peakall, 1992). 

Cá rô (Anasbas testudineus) đang được nuôi phổ biến trong ao và ruộng lúa ở ĐBSCL (Nguyễn Văn Công và ctv., 2011) nên khó tránh khỏi tiếp xúc với thuốc BVTV trên đồng ruộng, trong đó có Iprobenfos. Tồn dư thuốc BVTV khi phun có thể gây chết hay những ảnh hưởng có hại về sinh lý và sinh hóa cho cá (Vasanthi et al., 1989; Cong et al., 2009). Vì thế, cần nghiên cứu để xác định mức độ gây ảnh hưởng cho sự phát triển của cá rô đồng nhằm giúp người nuôi cảnh báo được những tác hại và giúp các nhà quản lý có biện pháp định hướng lại loại hóa chất dùng trong nông nghiệp ít gây hại cho môi trường. Do đó, nghiên cứu ảnh hưởng của Iprobenfos lên tỷ lệ sống, ChE và sinh trưởng cá rô đồng (Anabas testudineus) được thực hiện. 

Thí nghiệm xác định độc cấp tính (LC50-96 giờ) của Iprobenfos lên cá rô đồng (Anabas testudineus) được bố trí gồm nghiệm thức đối chứng và 5 mức nồng độ (4, 7, 9, 14 và 17 mg/L), với 10 cá (4,39 0,09 g) trong bể composite 60 L. Thí nghiệm xác định ảnh hưởng của Iprobenfos đến enzyme cholinesterase và sinh trưởng của cá rô đồng được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên trong bể composite 300 L với 30 cá/bể, với bốn mức nồng độ 0,083; 0,167; 0,83; 2,07 mg/L và đối chứng. Kết quả cho thấy nồng độ gây độc của Iprobenfos lên cá rô từ 4-17 mg/L và giá trị LC5096 giờ là 8,28 mg/L. Iprobenfos gây ức chế ChE tăng dần theo thời gian tiếp xúc và rõ nhất ở 36 giờ sau khi tiếp xúc với tỷ lệ ức chế cao nhất là 45,5% ở mức nồng độ 2,07 mg/L. Nồng độ thấp nhất thấy ảnh hưởng (LOEC) của Iprobenfos lên ChE trong thí nghiệm này là 0,083 mg/L. Lượng thức ăn tiêu thụ (FI) của cá không bị ảnh hưởng bởi nồng độ Iprobenfos. Hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR), tốc độ tăng trưởng tương đối (SGR), tỷ lệ sống và trọng lượng của cá rô bị ảnh hưởng bởi nồng độ Iprobenfos 2,07 mg/L.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Số Môi trường 2017
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ