Nghiên cứu cải thiện tính chất vật lý và cơ học của gỗ xoan ta (Melia azedarach L.) bằng hóa chất
Xoan ta hay Sầu đâu có tên khoa học là Melia azedarach. L. là một loài thực vật thuộc họ Xoan (Meliaceae) phân bố chủ yếu ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Riêng ở Việt Nam dọc theo từ Bắc vào Nam hầu như tỉnh nào cũng có sự phân bố của cây Xoan mọc tự nhiên hoặc được trồng. Xoan là loài cây trồng lâm nghiệp có tiềm năng phát triển rộng rãi.
Trịnh Hiền Mai thuộc ĐH Lâm nghiệp đã thực hiện nghiên cứu này với mục đích nhằm cải thiện tính chất vật lý của gỗ xoan ta (Melia azedarach L.) bằng hóa chất.
Trong nghiên cứu này, gỗ Xoan ta (Melia azedarach L.) 10 tuổi được gia công theo các tiêu chuẩn kiểm tra tính chất vật lý và cơ học của gỗ, tiếp theo, mẫu gỗ được biến tính bằng phương pháp ngâm tẩm với 3 loại hóa chất: melamine urea formaldehyde (MUF) ở nồng độ 15%, 1,3 dymethylol 4,5 dyhrydroxy ethylene urea (DMDHEU) ở nồng độ 30% và hạt nano SiO2 ở nồng độ 2 g/l. Mẫu gỗ sau ngâm tẩm với dung dịch MUF và DMDHEU được sấy ở 40oC trong 48h, 80oC trong 24h, rồi tiếp tục xử lý nhiệt ở 120oC trong 4h. Mẫu gỗ sau khi ngâm tẩm với hạt nano SiO2 được để ổn định ở điều kiện độ ẩm 65%, nhiệt độ 20oC trong 2 tuần.
Kết quả kiểm tra tính chất cơ vật lý cho thấy chất lượng của gỗ Xoan ta biến tính với các hóa chất nói trên được cải thiện ở mức độ nhất định. Cụ thể: hiệu suất chống hút nước đạt từ 22 - 27%, hệ số chống trương nở đạt từ 10 - 32%, độ cứng tĩnh tăng từ 10 - 60% và khả năng chịu uốn (độ bền uốn tĩnh và modul đàn hồi uốn tĩnh) tăng nhẹ so với mẫu đối chứng. Nghiên cứu chỉ ra có thể sử dụng phương pháp biến tính bằng hóa chất để cải thiện tính chất vật lý và cơ học cho gỗ Xoan ta.
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp số 1/2018 (ntbtra)