Ứng dụng GIS phân tích biến động sử dụng đất tại xã Thuận An, tỉnh Bình Dương trong bối cảnh đô thị hóa
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả nghiên cứu Đào Đức hưởng, Nguyễn Hữu Ngữ, Huỳnh Văn Chương.
Ảnh minh họa.
Xác định biến động và xu hướng thay đổi sử dụng đất đang là một vấn đề cấp bách được đặt ra trong tiến trình đô thị hóa ở các vùng mới phát triển. Với khả năng xử lý và phân tích dữ liệu mạnh mẽ, GIS là một công cụ hiệu quả trong nghiên cứu biến động và quản lý tài nguyên đất. Nghiên cứu sử dụng GIS để phân tích biến động sử dụng đất trong bối cảnh đô thị hóa ở địa bàn thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương giai đoạn 2005-2015.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đô thị hóa trung bình của thị xã Thuận An trong giai đoạn 2005-2010 thấp hơn so với trung bình chung cả nước, nhưng trong giai đoạn 2011-2015 lại cao hơn nhiều so với tỷ lệ đô thị hóa trung bình của cả nước. Trong giai đoạn 2005-2015 diện tích đất nông nghiệp giảm lớn do chuyển sang đất ở và các mục đích sử dụng khác trong nhóm đất phi nông nghiệp. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng này diễn ra hầu hết ở các phường/xã trên địa bàn thị xã Thuận An. Diện tích đất phi nông tăng lên nhanh chóng trong 10 năm, chủ yếu là tăng đất ở, đất chuyên dùng, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và đất sử dụng vào mục đích công cộng. Diện tích đất chưa sử dụng giảm về 0 vào năm 2010, nhưng lại tăng lên hơn 160 ha vào năm 2015. Trên thực tế diện tích này chủ yếu là đất đã được giao hoặc cho thuê, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức nhưng tại thời điểm kiểm kê đất đai vẫn chưa được đưa vào sử dụng nên theo quy định phải thống kê vào diện tích đất chưa sử dụng, chủ yếu phân bố ở phường Lái Thiêu.
Tạp chí nông nghiệp & PTNT, số 6/2018 (ttncac)