SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá và so sánh tính chất lý – hóa học đất trồng lúa trong và ngoài đê bao khép kín tỉnh An Giang

[16/05/2018 16:16]

Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Hữu Chiếm, Huỳnh Công Khánh, Nguyễn Xuân Lộc - Khoa Môi Trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ; Đinh Thị Việt Huỳnh - Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh An Giang thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Ðồng bằng sông Cửu Long sản xuất lúa 3 vụ ngày càng trở nên phổ biến. Mục đích của việc sản xuất lúa ba vụ là tăng sản lượng lúa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và tăng sản lượng gạo xuất khẩu. Hệ thống đê bao khép kín đóng vai trò quyết định cho mô hình sản xuất này. An Giang là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa chiếm khoảng 3.856.796 tấn, với diện tích lúa cả năm là khoảng 607.590 ha (Cục Thống kê An Giang, 2011) trong đó, diện tích lúa vụ ba tăng rất nhanh ở một số huyện của tỉnh như Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, Thoại Sơn nhờ hệ thống đê bao khép kín.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích kể trên, việc sản xuất lúa ba vụ trong vùng đê bao khép kín cũng có một số vấn đề cần quan tâm như sâu bệnh và hóa chất nông nghiệp được sử dụng ngày càng tăng có thể làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng hơn, đặc biệt môi trường đất. Việc canh tác lúa 3 vụ làm cho đất càng nghèo dưỡng chất nếu không áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tạo đất, nhu cầu nước và chất lượng nguồn nước bị suy giảm (Dasgupta, 2005). Một số tác động của đê bao khép kín về lâu dài có thể làm suy giảm sức sản xuất của đất, giảm nguồn dinh dưỡng do phù sa bồi đắp vào mùa lũ, ảnh hưởng đến năng suất, môi trường đất, nước, tích tụ các độc chất do sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Để làm cơ sở khoa học cho việc đánh giá tác động của hệ thống đê bao khép kín trồng lúa 3 vụ so với vùng sản xuất lúa không có đê bao là yêu cầu hết sức cần thiết. Vì vậy, đề tài “Đánh giá và so sánh tính chất lý-hóa học đất trồng lúa trong và ngoài đê bao khép kín tỉnh An Giang” được thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng thành phần vật lý-hóa học của đất trong và ngoài đê bao khép kín trong thời gian canh tác.

Nghiên cứu đã được tiến hành theo dõi liên tục trong 3 năm (2013 – 2016) tại 4 huyện của tỉnh An Giang (Châu Phú, Phú Tân, Chợ Mới và Thoại Sơn); mỗi huyện chọn 15 điểm trong đê và 15 điểm ngoài đê cố định để thu mẫu; mẫu được thu sau mùa lũ. Kết quả phân tích cho thấy thành phần vật lý (pH, dung trọng, tỷ trọng, độ xốp và thành phần cơ giới) không có sự khác biệt giữa trong và ngoài đê, ngoại trừ trị số EC và độ chặt. Thành phần hóa học của đất trong đê cao hơn ngoài đê và có sự khác biệt có ý nghĩa, với giá trị trong và ngoài đê được thể hiện lần lượt: tổng đạm (0,26%N và 0,20%N); tổng lân (0,16%P2O5 và 0,13%P2O5) và chất hữu cơ (6,93% và 4,70%); ngoại trừ hàm lượng tổng kali không có sự khác biệt giữa trong và ngoài đê, cụ thể trong đê 1,45%K2O và ngoài đê 1,42%K2O. Cả 2 vùng nghiên cứu, chất lượng đất được đánh giá ở mức khá đến giàu. Đặc biệt, độ phì (N,P) trong đê cao hơn ngoài đê một cách có ý nghĩa.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Số Môi trường 2017
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ