SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sự phân bố và thành phần loài nấm lớn tại khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, tỉnh Hậu Giang

[22/05/2018 16:00]

Nghiên cứu do các tác giả: Trần Thị Kim Hồng, Lê Trọng Thắng, Trương Thanh Tân, Bùi Trường Thọ và Nguyễn Văn Bé - Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Ảnh: sưu tầm).

Đa dạng sinh học nấm lớn có vai trò quan trọng trong việc duy trì các chu trình tuần hoàn tự nhiên và cân bằng sinh thái. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên sinh học Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đang có nguy cơ suy giảm bởi sự tác động ngày càng sâu của con người; nhiều biện pháp và chính sách được đề ra nhằm khắc phục tình trạng suy giảm tài nguyên sinh vật; trong đó có số liệu điều tra hiện trạng sinh vật, tuy nhiên nghiên cứu về nấm lớn vẫn còn hạn chế và chưa đầy đủ so với thực vật bậc cao hay động vật có xương sống (Trinh Tam Bao and Trinh Tam Kiet, 2011). Vì vậy, việc điều tra đa dạng sinh học và thống kê thành phần loài nấm lớn là cần thiết nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý và quy hoạch bảo vệ đa dạng sinh học tại địa phương và các khu vực có cùng điều kiện góp phần bảo vệ môi trường và tăng sản lượng cây rừng.

Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Lung Ngọc Hoàng, tỉnh Hậu Giang là một trong số ít các lâm trường tại Hậu Giang với diện tích là 1.434,89 ha có mức độ đa dạng sinh học cao và ít chịu tác động của các yếu tố con người. Từ khi thành lập, Lung Ngọc Hoàng đã có một số đề tài nghiên cứu sơ bộ nguồn tài nguyên sinh học như: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ điều tra hiện trạng động, thực vật Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng, 2013; Điều tra thành phần động vật, thực vật lâm trường Phương Ninh của phân viện điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ (1997-1998). 

Nấm kích thước khủng tại khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng (Ảnh: sưu tầm).

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi từ lâm trường thành khu bảo tồn đã dẫn đến nhiều khó khăn trong việc quản lý, công tác cập nhật dữ liệu về đa dạng sinh học. Tính đến thời điểm hiện tại, Lung Ngọc Hoàng vẫn chưa có đề tài nào nghiên cứu về nấm lớn. Nấm lớn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tốc độ của chu trình tuần hoàn vật chất tự nhiên, khoáng hóa các chất hữu cơ, làm sạch môi trường sinh thái đồng thời tăng độ phì nhiêu cho đất, từ đó làm tăng khả năng sản xuất, sản lượng cây trồng và cây rừng (Lê Bá Dũng, 2003). Bên cạnh đó, nấm lớn phát triển trong môi trường sống dễ quan sát trực tiếp bằng mắt thường; ngoài độc tính gây hại, nấm lớn còn là nguồn cung cấp thực phẩm cho con người. Do đó, nghiên cứu về nấm lớn được thực hiện nhằm xác định hiện trạng phân bố và tiềm năng kinh tế của nấm lớn góp phần hỗ trợ công tác quy hoạch bảo vệ đa dạng sinh học; từ đó góp phần vào công tác bảo vệ môi trường sinh thái và phục vụ đời sống tại địa phương nói riêng và các khu vực khác có cùng điều kiện nói chung.

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 9/2015 đến tháng 10/2016 nhằm cung cấp thông tin về đa dạng nấm lớn tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Nghiên cứu đã ghi nhận 57 loài nấm lớn thuộc 39 chi, 24 họ, 12 bộ, 5 lớp thuộc 3 ngành (Basidiomycota, Myxomycota và Ascomycota); trong đó, ngành Basidiomycota có mức độ đa dạng loài cao nhất với 53 loài (92.98%), bộ Agaricales và Polyporales với mức độ đa dạng cao lần lượt là 20 và 18 loài. Bên cạnh đó, mức độ đa dạng nấm lớn ở cả 4 sinh cảnh được khảo sát đều ở mức thấp (đất rừng, đất rừng có canh tác và ven sông) và rất thấp (đất nông nghiệp).

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Số Môi trường 2017
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ