SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ứng dụng mô hình DPSIR trong việc đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển mô hình canh tác lúa ứng dụng kỹ thuật mới ở đồng bằng sông Cửu Long

[29/05/2018 16:05]

Nghiên cứu do các tác giả: Hồng Minh Hoàng, Đặng Lan Linh, Nguyễn Văn Bé - Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ và Văn Phạm Đăng Trí - Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 56% tổng sản lượng gạo của cả nước và hơn 80% lượng xuất khẩu (Tổng cục Thống kê, 2014). Đây là vùng đang bị tác động nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là tác động đến nguồn tài nguyên nước mặt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Diễn biến của thời tiết ngày càng theo hướng bất lợi cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL (Trần Quốc Đạt và ctv., 2012; Van et al., 2012) và hiện tượng xâm nhập mặn được dự báo sẽ ngày càng gia tăng về không gian và thời gian trong tương lai (Bộ Tài nguyên và Môi Trường, 2016). Nguồn tài nguyên nước ở ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức do 95% lượng nước ở ĐBSCL phụ thuộc từ bên ngoài; do đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong công tác quản lý và sử dụng nguồn nước tưới (Chi cục Quản lý tài nguyên nước, 2010; Le Anh Tuan et al., 2015). Ngoài ra, ảnh hưởng của hệ thống đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong làm suy giảm lưu lượng nước và phù sa, dẫn đến xâm nhập mặn vào mùa khô ở khu vực hạ nguồn ngày càng gia tăng và tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL (Ziv et al., 2012; Tri et al., 2013; Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, 2013; Chapman et al., 2016). 

Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây lúa được cung cấp nước tưới nhiều hơn so với các loại cây trồng khác nhưng chỉ hấp thu khoảng 20% tổng lượng nước tưới và rất nhạy cảm với tình trạng thiếu nước tưới (T.P. Tuong and B.A.M. Bouman, 2003). Theo kỹ thuật canh tác truyền thống, cây lúa được tưới và giữ ngập nước liên tục đến gần thu hoạch và như vậy là không cần thiết, gây lãng phí nguồn nước tưới (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2008; Đoàn Doãn Tuấn và Trần Việt Dũng, 2011). Tuy nhiên, mức độ thâm canh lúa ở ĐBSCL ngày càng gia tăng (đặc biệt là ở các vùng đê bao khép kín ở An Giang và Đồng Tháp) đã dẫn đến một số khó khăn trong sản xuất như: dịch bệnh và sâu hại gia tăng, năng suất suy giảm và gia tăng nhu cầu sử dụng nước tưới (Vũ Anh Pháp và ctv., 2010). Việc gia tăng sử dụng nước tưới do tăng diện tích canh tác lúa ở thượng nguồn sẽ làm giảm lưu lượng nước phục vụ cho canh tác nông nghiệp ở vùng hạ nguồn và dẫn đến xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Hiện nay, mặc dù người dân đã biết cách quản lý nước trên ruộng theo các giai đoạn phát triển của cây lúa nhưng hiệu quả đạt được chưa cao và việc thâm canh lúa đã làm cho đất bạc màu dẫn đến nhu cầu sử dụng nhiều (hơn) phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để đảm bảo năng suất lúa đạt tối đa (Nguyễn Bảo Vệ, 2010; Lê Thanh Tùng, 2014). Bên cạnh đó, việc gia tăng sử dụng các vật tư nông nghiệp dẫn đến tăng chi phí đầu tư trong sản xuất, làm ô nhiễm môi trường, giảm đa dạng sinh học, và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ và sinh kế người dân (Meisner et al., 2005; Pham, 2011; Phung et al., 2012; Nguyễn Trung Dũng, 2014; Chau et al., 2015).

Cải tiến kỹ thuật canh tác lúa nhằm mục đích tiết kiệm nguồn nước tưới và nâng cao hiệu quả tài chính trong canh tác được xem là một trong những giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay ở ĐBSCL. Một số mô hình canh tác lúa áp dụng kỹ thuật mới đã được nghiên cứu áp dụng vào thực tiễn và mang lại kết quả cao trong việc giảm lượng nước sử dụng, giảm chi phí đầu vào nhưng vẫn đảm bảo năng suất đầu ra so với mô hình canh tác truyền thống như: mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML), mô hình "1 phải 5 giảm" (1P5G) và mô hình tưới ngập khô xen kẽ (AWD) (Nguyễn Ngọc Sơn và ctv., 2013; Nguyen Hong Tin et al., 2014; Trần Thu Hà và Đỗ Kim Chung, 2014); trong đó, kỹ thuật AWD là hiệu quả nhất về tưới tiết kiệm nước trong canh tác lúa (Hồng Minh Hoàng và Văn Phạm Đăng Trí, 2015). Theo nghiên cứu của Tô Lan Phương và ctv., (2012), kỹ thuật tổng hợp 1P5G cho kết quả giảm được 3 lần bơm tưới trong một vụ, tiết kiệm lượng nước khoảng 400 m3/ha/vụ (khoảng 22%) đồng thời làm tăng năng suất (khoảng 170 kg/ha) so với kỹ thuật canh tác truyền thống. Mặc dù các mô hình tưới tiết kiệm đạt được nhiều lợi ích cả về hiệu quả tài chính và sử dụng tiết kiệm nguồn nước nhưng các mô hình này lại gặp không ít khó khăn khi triển khai nhân rộng trong thực tế ở ĐBSCL (Lê Cảnh Dũng và Võ Văn Tuấn, 2014).

Nghiên cứu tập trung phân tích đánh giá hiện trạng áp dụng và xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển các mô hình canh tác lúa áp dụng kỹ thuật mới ở đồng bằng sông Cửu Long bằng phương pháp sử dụng mô hình DPSIR (Drive forces – Động lực, Pressures– Áp lực, State – Hiện trạng, Impats – Tác động, và Response – phản hồi) kết hợp phân tích ma trận SWOT. Kết quả cho thấy tuy các mô hình canh tác lúa ứng dụng kỹ thuật mới đã được khoảng 70-80% người dân áp dụng nhưng sự kết hợp các kỹ thuật mới trong mô hình vẫn còn hạn chế. Bên cạnh những khó khăn như mặt ruộng không bằng phẳng và thiếu nước tưới, nghiên cứu đã xác định yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc áp dụng và nhân rộng các mô hình canh tác lúa áp dụng kỹ thuật mới ở vùng nghiên cứu là do nhận thức còn hạn chế của người dân về sự thiếu nước và tiết kiệm nước tưới, thiếu sự đầu tư đổi mới trong việc nhân rộng các mô hình ứng dụng kỹ thuật mới tại vùng nghiên cứu. Giải pháp cải thiện cho vấn đề này là nâng cao kiến thức nông dân và đổi mới trong công tác quản lý của chính quyền địa phương bằng việc sử dụng nguồn lao động trí thức trẻ tại địa phương vào sản xuất nông nghiệp.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 52, Phần A(2017)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ