SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát hoạt tính kháng khuẩn và kháng oxy hóa của các cao chiết từ thân và lá cây bọ mắm (Pouzolia zeylanica L.)

[30/05/2018 09:53]

Nghiên cứu do các tác giả: Võ Thị Tú Anh, Trần Chí Linh, Trần Thị Thanh Thi và Đỗ Phước Quí - Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Cây Bọ mắm hay còn gọi là cây thuốc dòi (Ảnh: sưu tầm).

Cây Bọ Mắm (Pouzolzia zeylanica L.) là một cây thân thảo, sống lâu năm, thuộc họ Gai (Urticaceae), thường sinh trưởng tốt ở vùng đất ẩm ướt. Từ xa xưa, Bọ Mắm đã được xem là một loại thảo dược thường được sử dụng trong các phương thuốc y học cổ truyền ở Việt Nam. Bọ Mắm không chỉ là một loại thảo dược chỉ có tác dụng trong điều trị các chứng tiêu chảy, khó tiêu, viêm vú cấp tính, mà còn đặc biệt hữu hiệu trong việc điều trị các chứng ho và cả bệnh lao phổi (Tang et al., 2013). Với những tiềm năng trên, cây Bọ Mắm thật sự là một nguồn nguyên liệu quý trong lĩnh vực dược học.

Năm 2011, cao chiết ethyl acetate cây Bọ Mắm được trồng tại Trung Quốc đã được xác định như một nguồn hợp chất chống oxy hóa tự nhiên với hàm lượng polyphenol cao và có thể hữu ích cho việc phòng trị các bệnh liên quan đến sự lão hóa tế bào (Li et al., 2011). Năm 2012, cao chiết từ cây Bọ Mắm tươi đã được nghiên cứu là có hoạt tính kháng khuẩn đối với các chủng vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm bao gồm Bacillus subtilis, Bacillus megaterium, Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa, Salmonella typhi và Shigella dysentariae, trong khi đó, cao cây Bọ Mắm khô thì không thể hiện hoạt tính (Paul and Saha, 2012). Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Saha et al. (2012), cao chiết ethanol cây Bọ Mắm khô được trồng tại Bangladesh đã được chứng minh có hoạt tính kháng khuẩn chống lại cả vi khuẩn Gram dương và vi khuẩn Gram âm như Bacillus subtilis, Bacillus megaterium, Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa, Escherichia coli, Shigella dysentariae và Salmonella typhi (Saha et al., 2012). Từ những nghiên cứu trên, việc xác thực lại hoạt tính kháng khuẩn của cây Bọ Mắm tươi và khô là cần thiết. Nghiên cứu đồng thời góp phần cung cấp dữ liệu về nguồn thảo dược mang tiềm năng sinh học có sẵn tại địa phương.

Hoạt tính kháng khuẩn và kháng oxy hóa của các cao chiết methanol, hexane và ethyl acetate từ thân và lá cây Bọ Mắm (Pouzolzia zeylanica L.) tươi và khô được khảo sát. Khả năng kháng khuẩn của các cao chiết Bọ Mắm được khảo sát bằng phương pháp Kirby-Bauer và khả năng kháng oxy hóa được thực hiện bằng phương pháp DPPH (2,2-diphenyl1-picrylhydrazyl). Kết quả cho thấy, tất cả cao chiết từ thân và lá Bọ Mắm đều cho hoạt tính kháng E. coli, P. aeruginosa, S. aureus tốt hơn kháng sinh amoxicillin ở tất cả nồng độ được khảo sát với 40 µg/mL<MIC≤80 µg/mL. Tuy nhiên, cao chiết Bọ Mắm không kháng hai dòng vi khuẩn V. parahaemolyticus và E. cloacae. Kết quả khảo sát hoạt tính kháng oxy hóa của các cao chiết thân và lá Bọ Mắm cho thấy 6 cao chiết khảo sát có khả năng trung hòa gốc tự do DPPH đều thấp hơn vitamin C (EC50 = 25,33 µg/mL) từ 1,85 – 3,2 lần. Nhìn chung, các loại cao chiết từ cây tươi lại cho hiệu quả tốt hơn cao chiết từ cây khô.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 52, Phần A(2017)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ