SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khai thác, biến động cao độ và quản lý nước dưới đất tại khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ: Hiện trạng và thách thức

[31/05/2018 16:13]

Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Tiếng Vang - Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ và Trần Văn Tỷ - Khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Tài nguyên nước đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Kể từ đầu thế kỷ XX, lượng nước tiêu thụ toàn cầu tăng lên 7 lần, chủ yếu do sự gia tăng dân số và nhu cầu về nước của từng cá nhân đã làm cho nguồn nước ngày càng trở nên khan hiếm và quan trọng trong thế kỷ XXI. Hiện trên thế giới có 2,5 tỷ người, trong đó hơn 1/3 dân số toàn cầu đang trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng và dự báo đến năm 2030 lượng nước toàn cầu sẽ giảm đến 40% (UNICEF, 2012; WEC, 2016).

Theo báo cáo của World Bank (2009) thì trữ lượng nước dưới đất (NDĐ) khai thác tiềm năng Việt Nam khoảng gần 63 tỷ m3/năm. Hiện tổng trữ lượng khai thác NDĐ trên toàn quốc đạt gần 20 triệu m3, tập trung chủ yếu ở các khu vực đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên. Trong những năm gần đây do khai thác sử dụng một cách chưa hợp lý, tài nguyên NDĐ đang có sự biến động theo hướng xấu đi (Đoàn Văn Cánh, 2013).

NDĐ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được khai thác từ 60 năm nay với lượng nước ngày càng tăng, nhất là sau năm 1975 (Bùi Học và  cộng sự , 1995). NDĐ tại đây khá dồi dào, chủ yếu ̣ phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp. Tổng trữ lượng khai thác tiềm năng NDĐ là 22.512.989 m3/ngày.đêm, trong đó trữ lượng khai thác an toàn là 4.502.598 m3/ngày.đêm, chủ yếu khai thác ở tầng nước Pleistocen và Holocen (Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Miền Nam, 2013). Khai thác NDĐ quá mức là nguyên nhân chính làm suy giảm mực nước và gia tăng sụt lún đất, tốc độ hạ thấp mực nước trung bình vào khoảng 0,3 m/năm và tốc độ lún trung bình là 1,6 cm/năm (Erban et al., 2014).

Bản đồ vị trí trạm quan trắc NDĐ TPCT và KCN Trà Nóc

Thành phố Cần Thơ (TPCT) là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Tài nguyên NDĐ có trữ lượng dồi dào và chất lượng nước tốt ở các tầng Pleistocen, Pliocen, Miocen (khoảng 700.000 m3/ngày.đêm ở tầng Pleistocen) (Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Cần Thơ, 2009). Tính đến năm 2011, tổng lượng khai thác NDĐ tại Khu Công nghiệp (KCN) Trà Nóc 1 là 15.698 m3/ngày.đêm và KCN Trà Nóc 2 là 7.160 m3/ngày.đêm (Sở TN&MT Cần Thơ, 2012). Theo báo cáo trên, KCN Trà Nóc là nơi khai thác và sử dụng NDĐ khá lớn, bên cạnh đó là các vấn đề về ô nhiễm môi trường nước và sụt lún ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Nghiên cứu được thực hiện tại Khu Công nghiệp Trà Nóc, thành phố Cần Thơ nhằm đánh giá hiện trạng khai thác, biến động cao độ và quản lý nước dưới đất (NDĐ). Tương quan giữa khai thác, mực nước trên sông Hậu (trạm CTH-039803) và cao độ NDĐ tại các trạm quan trắc được thiết lập. Kết quả nghiên cứu cho thấy lưu lượng khai thác NDĐ tại khu công nghiệp Trà Nóc là rất lớn, tổng lưu lượng khai thác đã tăng gấp 6 lần, từ 3.568 m3/ngày tăng lên 19.738 m3/ngày lần lượt từ năm 2004 đến 2010. Khai thác NDĐ quá mức là nguyên nhân chính dẫn đến mực nước hạ thấp tại tầng Pleistocen và Holocen lần lượt là 4 m và 1 m từ năm 2000 đến 2015. Mưa và sông Hậu là nguồn bổ cập chính đối với tầng Holocen. Bên cạnh đó, công tác quản lý NDĐ của các cơ quan chức năng vẫn chưa thực sự hiệu quả, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý ở địa phương; do đó cần có những giải pháp quản lý NDĐ thiết thực hơn ở hiện tại và trong tương lai.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 52, Phần A(2017)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ