SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát tỷ lệ nhiễm virus gây bệnh tiêu chảy cấp (Porcine Epidemic Diarrhea - PED) trên heo nái và xác định các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh PED tại tỉnh Tiền Giang

[05/06/2018 16:23]

Nghiên cứu do các tác giả Huỳnh Minh Trí - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Vemedim, Nguyễn Ngọc Hải - Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh và Nguyễn Hoàng Việt - Công ty Vemedim thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Bệnh tiêu chảy cấp trên heo (Porcine Epidemic Diarrhea - PED) là bệnh truyền nhiễm lây lan rất nhanh, gây ra bởi Porcine epidemic diarrhea virus (PEDV) thuộc nhóm Coronavirus, với các biểu hiện lâm sàng đặc trưng như ói mửa, tiêu chảy, xảy ra ở heo mọi lứa tuổi (Pospischil et al., 2002). Bệnh lây lan rất nhanh trong đàn với tỷ lệ rất cao (100%) và tỷ lệ chết thay đổi từ 30 – 90% trên heo con theo mẹ. Đặc biệt, trong các ổ dịch xảy ra gần đây ở các nước châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, tỷ lệ chết trên heo con theo mẹ có thể lên đến 100% (Kim et al., 2001; Pensaert và Yeo, 2006; Puranaveja et al., 2009). Tại Việt Nam, vào cuối năm 2008, dịch tiêu chảy cấp được phát hiện đầu tiên ở Đồng Nai, sau đó bệnh lây lan khắp các địa bàn trong tỉnh cũng như nhiều tỉnh thành khác. Bệnh lan rộng ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, gây ảnh hưởng đến kinh tế chăn nuôi heo do làm tăng tỷ lệ bệnh, tỷ lệ chết cao đặc biệt trên heo con theo mẹ (Nguyễn Tất Toàn và ctv., 2012). Hiện nay, bệnh đã xuất hiện ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhưng chưa có nhiều những nghiên cứu về bệnh ở khu vực này. Tiền Giang là tỉnh có số lượng đàn heo lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với tổng đàn heo trong năm 2015 là 542.903 con, trong đó tổng đàn nái là 84.421 con (Cục Thống kê Tiền Giang, 2016). Vì vậy, nghiên cứu xác định sự hiện diện của bệnh tiêu chảy cấp do PEDV trên các đàn nái và các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tại tỉnh Tiền Giang sẽ làm cơ sở cho việc chẩn đoán bệnh PED và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học nhằm hạn chế nguy cơ mắc bệnh PED trong thực tiễn.

Virus gây bệnh tiêu chảy cấp trên heo PEDV là một Coronavirus gây bệnh đường ruột nghiêm trọng, truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt gây chết trên heo con sơ sinh với mức độ cao. Các mẫu huyết thanh heo nái chưa tiêm phòng vaccine PED được phân tích bằng Bộ kit ELISA Porcine epidemic diarrhea virus antibody test kit, SwinecheckR PED indirect của hảng Biovet – Canada. Kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm PEDV trên đàn nái tại tỉnh Tiền Giang là 33,72%, trong đó cao nhất là huyện Chợ Gạo (59,22%), kế đến là các huyện Cai Lậy (27,66%), Cái Bè (14,52%) và thấp nhất là huyện Châu Thành (10,20%). Tỷ lệ nhiễm cao nhất ở qui mô đàn nái từ trên 50 nái (34,95%), qui mô 20 – 50 (33,66%) nái và thấp nhất là ở qui mô dưới 20 nái (31,58%). Tỷ lệ nhiễm ở những nái có số lứa đẻ trong khoảng 4 – 5 lứa (56,67%), nái trên 5 lứa (38,59%). Những nái hậu bị hoặc chỉ mới sinh sản 1 lứa (33,33%) và thấp nhất là nái đã sinh sản 2 – 3 lứa (27,50%). Phân tích các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh cho thấy, nguy cơ cao nhất là không sát trùng chuồng trại hoặc sát trùng chuồng trại ít hơn 1 lần/ 2 tuần. Các yếu tố nguy cơ tiếp theo là không có hố sát trùng trước trại, khoảng cách gần với các hộ chăn nuôi có dịch bệnh.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 52, Phần B(2017)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ