'Nghệ thuật không còn là ánh trăng lừa dối' với phần mềm xác thực nguồn gốc ảnh
Phần mềm VeriFlix sử dụng trí tuệ nhân tạo giúp người dùng dễ dàng xác minh liệu một bức ảnh có phải là sản phẩm của photoshop, một đoạn video có bị cắt ghép hay là nguyên bản.
Look Live Media, công ty truyền thông của Bỉ vừa tung ra VeriFlix, một phần mềm hỗ trợ các nhà báo phân biệt được các hình ảnh thật-giả bằng trí tuệ nhân tạo. VeriFlix có thể truy xuất nguồn gốc và xác thực địa điểm các cảnh quay do người dùng tạo ra, qua đó cung cấp cho người dùng thông tin gốc về hình ảnh của những đoạn video cần kiểm chứng.
VeriFlix sẽ dùng trí tuệ nhân tạo để phân tích siêu dữ liệu (metadata) của những đoạn phim hay bức ảnh ‘khả nghi’. Phần mềm đồng thời kiểm tra các thông tin về vị trí địa lý, thời gian quay và chất lượng cảnh quay. Công cụ trí tuệ nhân tạo độc quyền trong VeriFlix sẽ lọc ra nội dung giả mạo, không phù hợp hoặc không đúng chủ thể bằng cách phân tích chất lượng, mức độ liên quan, tính nhất quán và tính đa dạng của video.
Đây là một giải pháp hi vọng góp phần đẩy lùi nạn tin giả đang hoành hành. Còn nhớ năm 2017, truyền thông thế giới đã trải qua một năm ‘tồi tệ’ khi những tin tức sai lệch ngập tràn internet. Thậm chí, cuốn từ điển Collins Dictionary nổi tiếng của Anh đã bình chọn “tin giả” là “từ của năm 2017”.
Từ những tin tức hay hình ảnh thất thiệt liên quan đến các chính gia quyền lực nhất thế giới như thổng thống Nga Putin hay ông chủ Nhà Trắng Donald Trump, đến những đoạn video bị chỉnh sửa dẫn đến cuộc bạo loạn gây thương vong đầy đáng tiếc ở Jarkata; tất cả những tin tức giả mạo cho dù có âm mưu hay chỉ là trêu đùa đều có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Chỉ cần đưa tấm hình này vào VeriFlix…
người dùng có thể nhanh chóng xác nhận đây chỉ là sản phẩm của photoshop.
Như năm 2017 tại Việt Nam, người dùng mạng xã hội Facebook và Youtube tại đã lan truyền rộng rãi một đoạn video được cho là quay lại quá trình sản xuất bia Heineken giả khiến người tiêu dùng hết sức hoang mang và Heineken Việt Nam bị ảnh hưởng uy tín nặng nề.
Giờ đây, với những đoạn video như vậy, khi đưa vào VeriFlix, bộ lọc trí tuệ nhân tạo của phần mềm sẽ tiến hành phân tích thời gian, địa điểm, mối liên quan và tính thống nhất của các hình ảnh được lồng ghép trong video.
Kết quả người dùng sẽ nhanh chóng xác minh được, thực chất, đây là đoạn video được quay tại Trung Quốc vào năm 2016 và đã được chỉnh sửa, chèn thêm hình ảnh từ nhiều nguồn khác nhau.
Với VeriFlix, truyền thông có thể kịp thời xác thực và đính chính những thông tin giả mạo tương tự để tránh những hậu quả không đáng có.
Donald Staar, nhà sáng lập kiêm CEO của Look Live Media, cho biết “Trước vấn nạn tin giả đang hoành hành khiến các hãng truyền thông phải đau đầu đối phó, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là tìm ra một phương pháp có thể kiểm chứng những nội dung do người dùng tạo ra nhằm đảm bảo tính chính xác của một sự kiện hay một câu chuyện”
Dự án VeriFlix này cũng thu hút được sự chú ý của gã khổng lồ tra cứu Google. Họ đã tài trợ 353.000USD cho VeriFlix. Trước đó, bản thân Google cũng từng vướng phải scandal khi vô tình để lan truyền các thông tin sai lệch, điển hình là trong vụ xả súng kinh hoàng tại Las Vegas vào đầu tháng 10 năm ngoái. Tháng 3 năm 2018 Google đã mạnh tay chi hơn 300 triệu USD để hỗ trợ ngành báo chí chống lại vấn nạn tin giả.
Staar nhấn mạnh: “Sự ủng hộ của Google là chỗ dựa vững chắc khiến chúng tôi tin tưởng rằng Veriflix có thể giải quyết chính xác và thành công vấn đề nhức nhối nhất hiện nay đối với các cơ quan truyền thông và công chúng trên toàn thế giới. Củng cố niềm tin của độc giả, chứng minh tính minh bạch của các nguồn tin tức là sứ mệnh mà chúng tôi muốn hướng tới.”
VeriFlix hiện đã phát triển cả hai phiên bản là ứng dụng cho thiết bị di động và phần mềm cho máy tính.