Vải thiều chinh phục thị trường bằng chất lượng, thương hiệu
Hai vựa vải lớn nhất miền Bắc (Bắc Giang, Hải Dương) đang bắt đầu trong mùa thu hoạch với hy vọng bội thu do thời tiết thuận lợi. Người trồng vải còn vui hơn, bởi thay vì trái vải đã bước đầu chinh phục được nhiều thị trường mới, khó tính bằng chất lượng và thương hiệu.
Vải thiều ngày càng được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.
Từ VietGap, GlobalGap
Thay vì đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng vải như những năm trước thì nay, các địa phương đã tập trung nâng cao chất lượng nhờ áp dụng mô hình sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP…
Tại Bắc Giang, ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - cho biết, diện tích vải thiều toàn tỉnh năm 2018 duy trì trên 28.000ha. Trong đó, diện tích được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP có 13.500 ha, sản lượng ước đạt 90.000 tấn; xuất khẩu sang tất cả các thị trường khó tính trên thế giới theo tiêu chuẩn GlobalGAP có diện tích 218,5ha, sản lượng đạt trên 10.000 tấn.
Để có kết quả này, trong năm qua, Sở Công Thương Bắc Giang đã phối hợp với các cục, vụ, viện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT), Bộ Công Thương phát triển các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều, trong đó tập trung hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn bà con nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, chăm sóc; mở rộng các vùng trồng vải thiều theo tiêu chuẩn an toàn, hướng tới 100% diện tích được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tương tự, tại Hải Dương, ông Phạm Thanh Hải - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh - cho hay hiện nay, diện tích vải quả toàn tỉnh là 10.500 ha, trong đó đã có 80% được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap… Sản lượng năm 2018 dự kiến đạt 55.000 - 60.000 tấn, cao gấp đôi so với năm 2017. Đặc biệt, đã có 13 vùng vải được Cục Bảo vệ thực vật Hoa Kỳ cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Úc, EU với diện tích 131,68 ha, sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu khoảng 1.000 tấn.
"Những năm gần đây, tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sản xuất vải theo quy trình VietGap, GlobalGap để nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, thương hiệu và thị trường tiêu thụ vải ngày càng được mở rộng, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm" - ông Hải nhấn mạnh.
Đến dán tem truy xuất nguồn gốc
Việc triển khai gắn tem truy xuất nguồn gốc được coi là bước đột phá trong tiêu thụ vải thiều. Theo ông Nguyễn Thanh Bình- Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn năm nay, lần đầu tiên Lục Ngạn sẽ hỗ trợ 50% kinh phí tem xác nhận vải thiều cho tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ. Đồng thời, thiết lập sổ chăm sóc nhật ký vải thiều điện tử, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân chăm sóc vải thiều, giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua điện thoại thông minh.
Đối với Hải Dương, năm 2018 là năm đầu tiên vải quả Thanh Hà được dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Ông Phạm Thanh Hải chia sẻ, ngay từ đầu vụ, huyện Thanh Hà đã được hỗ trợ thiết kế, kích hoạt và cấp 25 bộ mã QR truy xuất nguồn gốc xuất xứ quả vải. Mỗi bộ gồm có 2 mã truy xuất cho quả vải sớm và vải thiều chính vụ trên hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc hàng nông sản. Tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ đã được hợp tác xã, hộ sản xuất dán trên dây đai buộc túm vải hoặc tại điểm ghép nối trên hộp carton màu xanh lá cây nhạt. Qua đó, người tiêu dùng biết được quả vải được trồng ở địa phương nào, có áp dụng quy trình sản xuất VietGAP hay GlobleGAP không, thậm chí nắm được thông tin nhật ký sản xuất.
Qua báo cáo sơ bộ, đến hết ngày 10/6/2018, Hải Dương đã tiêu thụ được 25.000 tấn vải, đạt trên 40% sản lượng dự kiến. Đối với Bắc Giang, mỗi ngày có khoảng 1.200 tấn vải thiều được tiêu thụ.
|
www.baocongthuong.com.vn (ntmoanh)