SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xác định mầm bệnh ký sinh trùng trên cá Tra (Pangasianodon hypophthalmus) tự nhiên

[20/06/2018 15:17]

Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Thu Hằng - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước về nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thuỷ sản. Đặc biệt, cá tra là một trong những đối tượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Do nhu cầu sản phẩm cho xuất khẩu tăng nên nhiều nơi đã nuôi thâm canh cá tra và bệnh là một trở ngại đáng kể cho nghề nuôi, trong đó bệnh do ký sinh trùng là khá phổ biến. Ký sinh trùng thường lây nhiễm cho cá qua môi trường nước, khi nhiễm với số lượng lớn sẽ làm cá sinh trưởng chậm, thậm chí gây chết hàng loạt, đặc biệt ở giai đoạn cá giống đồng thời mở đường cho các tác nhân vi khuẩn, virus, nấm xâm nhập gây chết cá. Nhiều nghiên cứu ký sinh trùng trên cá tra nuôi thâm canh cho thấy cá thường bị các nhóm ngoại ký sinh trùng đơn bào và đa bào có chu kỳ phát triển trực tiếp không qua ký chủ trung gian như trùng bánh xe (Trichodina), thích bào tử (Myxobolus, Henenguya), trùng miệng lệch (Chilodonella), sán lá đơn chủ (Dactylogyrus, Gyrodactylus), trùng mỏ neo (Lernaea). Các loài ký sinh trùng này gây thành dịch bệnh làm thiệt hại nghiêm trọng cho nghề nuôi cá (Hà Ký và Bùi Quang Tề, 2007). Ở giai đoạn nuôi thịt, cá tra cũng nhiễm một số nhóm nội ký sinh trùng có vòng đời phát triển cần ký chủ trung gian như sán lá, sán dây, giun tròn ký sinh ở dạ dày, ruột, mật của cá. Mức độ nhiễm nội ký sinh trùng trên cá tra khác nhau theo loài và vị trí ký sinh (Bùi Quang Tề, 2001).

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có nghề nuôi cá tra phát triển mạnh, vì thế, đã có nhiều nghiên cứu khảo sát thành phần ký sinh trùng nhiễm trên cá tra nuôi (Thu et al., 2007; Nguyễn Thị Thu Hằng và ctv., 2008; Nguyễn Thị Thu Hằng và Đặng Thị Hoành Oanh, 2012; Đặng Thúy Bình và ctv., 2014). Tuy nhiên, chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu về sự xuất hiện các loài ký sinh trùng trên cá tra trong môi trường sống tự nhiên. Để có thể hiểu rõ mối tương quan về thành phần cũng như khả năng nhiễm ký sinh trùng trên cá tra tự nhiên và cá tra nuôi, đề tài “Xác định mầm bệnh ký sinh trùng trên cá tra (Pangasius hypophthalmus) tự nhiên” được thực hiện.

Đề tài khảo sát thành phần loài ký sinh trùng cá tra tự nhiên được thực hiện từ tháng 7 đến tháng 11 năm 2016. Tổng cộng có 86 mẫu cá tra giống thu từ sông Rạch Ngỗng ở Cần Thơ được quan sát dấu hiệu bệnh lý và soi tươi để kiểm tra ký sinh trùng. Kết quả cho thấy có 8 giống ký sinh trùng ký sinh trên cá tra tự nhiên là Myxobolus, Henneguya, Trichodina, Dactylogyrus, Gyrodactylus, Ichthyonyctus, Protoopalina, Bucephalopsis; trong đó, có 5 giống ký sinh trên da, mang và 4 giống ký sinh trong ruột và dạ dày. Số lượng ký sinh trùng nhiễm trên cá tra tự nhiên phụ thuộc vào thành phần giống loài và cơ quan ký sinh. Ký sinh trùng có tỷ lệ nhiễm cao nhất là Bucephalopsis (88,5%; 3-49 trùng/lame) và thấp nhất là Gyrodactylus (31,2%; 1-3 trùng/lame). Hầu hết các mẫu cá đều là cá khỏe, không có dấu hiệu bệnh lý.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 52, Phần B(2017)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ