SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát hàm lượng Phenolic tổng, flavonoid tổng, hoạt tính chống oxy hóa và hoạt tính kháng khuẩn của cao chiết ethanol và methanol của lá và thân rễ cây Cỏ tranh (Imperata cylindrica)

[20/06/2018 16:33]

Nghiên cứu do các tác giả: Võ Thị Kiều Ngân, Nguyễn Thị Ngọc Mai, Nguyễn Thanh Hoàng và Nguyễn Đức Độ - Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ; Trần Hồng Đức - Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Châu Thành, Tỉnh Hậu Giang thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Các hợp chất phenolic là các hợp chất chuyển hóa thứ cấp của thực vật như flavonoid, alkaloid và terpenoid không chỉ có chức năng sinh lý mà còn có tác dụng tích cực đối với sức khỏe con người vì chúng có tính chất chống oxy hóa (Velioglu et al., 1998; Çalişkan and Polat, 2011). Chất chống oxy hóa đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các quá trình gây bệnh liên quan đến não, ung thư, viêm, rối loạn hay thoái hóa thần kinh, tiểu đường, viêm khớp cũng như tim mạch (Uddin et al., 2008; Jayasri et al., 2009). Ngoài hoạt tính chống oxy hóa, các hợp chất phenolic từ các cây khác nhau đã được báo cáo là có hoạt tính kháng khuẩn chống lại các vi sinh vật gây bệnh khác nhau (Türkyılmaz et al., 2013; Megdiche-Ksouri et al., 2015; Stefanović et al., 2015). Việc kiểm tra các hợp chất tự nhiên ở thực vật đối với khả năng chống oxy hóa và chống nhiễm trùng đã trở nên quan trọng vì tính ứng dụng trong điều trị bệnh và sự gia tăng đáng báo động của vi sinh vật gây bệnh kháng lại kháng sinh hiện có trong những năm gần đây. Sự xuất hiện và ngày một tăng của Escherichia coli kháng lại nhiều kháng sinh (ampicillin, sulfonamide, trimethoprim và gentamicin) hiện nay là một chủ đề đáng quan tâm của quốc tế (Kronvall, 2010). Cỏ Tranh (Imperata cylindrica) phổ biến trên toàn thế giới với tên “Cogon grass” (Anh) và “Lalang” (Malaysia), là loài cỏ hoang dại, phát triển được trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt và môi trường ít dinh dưỡng (MacDonald, 2004). Các lá và thân rễ của Cỏ Tranh thường được sử dụng trong dân gian qua nhiều thập kỷ ở châu Á để điều trị cho người bị cảm lạnh, gút, trĩ, thiếu máu, tiểu đường và ung thư với các thành phần hóa học chính được biết đến như phenolic, flavonoid, alkaloid, terpenoid, carbohydrate và glycoside (Krishnaiah et al., 2009; Parvathy et al., 2011). Mục đích của nghiên cứu này là xác định hàm lượng phenolic tổng và flavonoid tổng của các cao chiết lá và thân rễ cây Cỏ Tranh, và đánh giá hoạt tính của chúng, đặc biệt là hoạt tính chống oxy hóa và kháng khuẩn.

Qua quá trình nghiên cứu, kết quả cho thấy, các cao chiết lá và thân rễ cây Cỏ Tranh được chiết xuất bằng dung môi ethanol 70% và methanol 70% được khảo sát đều chứa nhiều hợp chất tự nhiên như phenolic và tannin, flavonoid, quinone, coumarin, alkaloid, terpenoid và saponin. Cao chiết lá - methanol (LM70S) có hàm lượng phenolic tổng nhiều nhất (86,90 mg gallic acid/g chiết xuất). Và hàm lượng flavonoid tổng nhiều nhất có giá trị là 78,38 mg quercetin/g chiết xuất ở cao chiết lá - ethanol (LE70S). LE70S cũng là cao chiết có hoạt tính chống oxy hóa tốt nhất với giá trị IC50 thấp nhất là 313,76±2,08 µg/ml, giá trị IC50 của ascorbic acid là 274,33±3,83 µg/ml. Cao chiết lá - methanol (LM70S) là cao chiết có khả năng kháng khuẩn mạnh nhất với đường kính vòng vô khuẩn là 9,6±0,14 mm trên Escherichia coli và 8,4±0,14 mm trên Bacillus subtilis ở nồng độ 100 mg/mL. Cỏ Tranh có thể được xem là nguồn thực vật tự nhiên đầy tiềm năng của các hợp chất có hoạt tính chống oxy hóa và kháng khuẩn. 

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 52, Phần B(2017)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài