Ảnh hưởng của KNO3 phun qua lá đến năng suất và phẩm chất trái cam Xoàn (Citrus sinensis L.) tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang
Nghiên cứu do các tác giả: Trần Sỹ Hiếu, Huỳnh Lê Anh Nhi, Phạm Quốc Anh và Trần Văn Hâu - Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: sưu tầm.
Cung cấp kali cho cây có múi ở giai đoạn sau khi đậu trái và trước khi thu hoạch có vai trò rất lớn trong việc nâng cao phẩm chất trái thương phẩm. Phun kali qua lá là phương pháp hiệu quả giúp cây trồng hấp thu kali nhanh hơn so với việc hấp thu kali từ đất (Boman, 2001). Theo Bar-Akiva (1975), cam Valencia khi được bón kali đã giảm hiện tượng nứt trái và gia tăng năng suất so với cây không được bón kali. Phun KNO3 qua lá làm tăng kích thước trái cam Shamouti và sự gia tăng này tương quan đến hàm lượng kali (Erner et al., 1993). Trên cây quýt Clementine, kích thước trái lớn hơn khi có phun KNO3 ở thời điểm sau khi rụng trái non (El-Otmani et al., 2004). Ngoài ra, Hamza et al. (2012) cũng xác nhận hiệu quả tăng kích thước và khối lượng trái quýt Clementine sau khi phun kali qua lá.
Đối với cam ‘Hamlin’, Alva et al. (2006) cho rằng mức độ kali cao làm cho kích thước trái to nhưng khiến cho vỏ trái nặng và thô hơn. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, kết quả nghiên cứu của Lê Vĩnh Thúc et al. (2015) cho thấy phun KNO3 qua lá trên cây quýt Đường làm tăng đường kính trái. Nguyễn Bảo Vệ và Lê Thanh Phong (2011) cũng cho rằng cung cấp phân kali cho cây có hiệu quả làm tăng kích thước trái.
Diện tích trồng cây có múi tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang là 2.528 ha, chiếm 67% diện tích trồng cây ăn trái toàn huyện, sản lượng đạt 23.995 tấn năm 2015. Trong đó, diện tích trồng cam Xoàn chiếm 300 ha và là loại cây ăn trái chủ lực của xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp (Niên giám thống kê huyện Phụng Hiệp, 2016). Với tập quán canh tác của nông dân hiện nay, năng suất cam Xoàn còn thấp chỉ đạt trung bình 10 tấn/ha và phẩm chất trái còn nhiều hạn chế do chưa áp dụng đúng các kỹ thuật canh tác ví dụ như cung cấp thêm phân kali cho loại cây trồng này (Trần Ngọc Phương Anh, 2010).
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định ảnh hưởng của KNO3 phun qua lá đến năng suất và phẩm chất trái cam Xoàn tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Thí nghiệm được thực hiện từ tháng 03/2016 đến tháng 10/2016 trên cây cam Xoàn 3 năm tuổi ghép trên gốc cam Mật. Thí nghiệm gồm bốn nghiệm thức là bốn nồng độ KNO3 (0%, 0,3%, 0,5%, và 0,7%) được bố trí theo thể thức ngẫu nhiên hoàn toàn với năm lần lặp lại, mỗi lần lặp lại là một cây cam Xoàn. KNO3 được phun một lần trước thu hoạch 30 ngày. Kết quả thí nghiệm cho thấy nghiệm thức phun KNO3 0,7% cho hiệu quả cao nhất so với đối chứng, làm tăng kích thước trái (chiều cao trái 78,1 mm; đường kính trái 88,4 mm), khối lượng trái (245,6 g) dẫn đến tăng năng suất (8,05 kg/cây); tăng hàm lượng vitamin C (12,6 mg/100 g mẫu), độ Brix (9,76 %), tăng các chỉ số đánh giá màu sắc vỏ trái (∆E=77,3; L*=42,7; b*=40,4).
Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 52, Phần B(2017)