SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xác định mầm bệnh gây thối đồng tiền trên khoai lang tím nhật tại huyện Bình Tân, Vĩnh Long

[22/06/2018 15:32]

Nghiên cứu do các tác giả: Trần Thị Bích Thảo, Hồ Nhã Tuấn và Nguyễn Đắc Khoa Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Khoai lang (Ipomoea batatas) là cây lương thực phổ biến đứng thứ bảy trên thế giới (Kays et al., 2005), có sản lượng đứng thứ tư sau lúa, bắp và lúa mì (Ukpabi, 2009; Calvo et al., 2010). Ở Việt Nam, khoai lang là cây lương thực truyền thống đứng thứ ba sau lúa, bắp và đứng thứ hai về giá trị kinh tế sau khoai tây (Vu et al., 2000). Khoai lang có giá trị dinh dưỡng cao, chứa hàm lượng lớn các chất β-carotene, carbohydrate, protein, vitamin và các chất chống oxy hóa như anthocyanin (Lebot, 2000). Ngoài ra, khoai lang có thời gian sinh trưởng ngắn và khả năng thích ứng rộng nên được trồng khắp mọi miền đất nước. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long là vùng chuyên canh trồng khoai lớn với các giống khoai như khoai dương ngọc, khoai bí đường, khoai sữa, đặc biệt là khoai lang tím Nhật (Trung tâm xúc tiến thương mại Vĩnh Long, 2015).

Quá trình canh tác khoai gặp nhiều yếu tố bất lợi trong đó có mầm bệnh. Đặc biệt bệnh thối đồng tiền trên khoai lang tím ở huyện Bình Tân trong nhiều năm qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến chất lượng thương phẩm củ. Bệnh gây hại nặng nhất vào giai đoạn phát triển củ. Tuy nhiên, tác nhân gây bệnh cho đến nay vẫn chưa được xác định. Bên cạnh đó, các kiến thức về mầm bệnh còn hạn chế dẫn đến việc xây dựng các biện pháp phòng trị gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, việc xác định mầm bệnh thối đồng tiền trên khoai lang tím Nhật là rất cần thiết, để tìm ra những biện pháp phòng trị bệnh theo hướng sinh học, mang lại hiệu quả cao mà không ảnh hưởng đến môi trường.

Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định tên mầm bệnh để làm tiền đề nghiên cứu biện pháp phòng trị hiệu quả bệnh ngoài đồng. Tổng số 32 chủng vi khuẩn đã được phân lập từ 18 mẫu bệnh thu thập ở 3 xã Thành Đông, Thành Trung và Tân Thành (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long). Sau khi thực hiện quy trình Koch, 5 chủng vi khuẩn BT5, BT14, BT15, BT19, BT30 gây vết bệnh thối đồng tiền giống triệu chứng quan sát ngoài đồng. Vết bệnh có hình tròn, lõm, bị hoại tử trên bề mặt củ và có màu vàng nâu. Mầm bệnh được xác định là vi khuẩn Klebsiella variicola thông qua đặc điểm hình thái, sinh hóa và kỹ thuật sinh học phân tử. Việc phân tích trình tự gen 16S rRNA (liên quan đến quá trình phát sinh loài) và gen rpoB (có trình tự chuyên biệt cho mỗi loài thuộc chi Klebsiella) giúp phân biệt được vi khuẩn K. variicola với các loài Klebsiella khác, cung cấp đủ cơ sở để xác định tên mầm bệnh. 

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 52, Phần B(2017)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ