Xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường: Nâng giá trị sản phẩm Na Chi Lăng
Vào tháng 8 tới, Na Chi Lăng vào vụ thu hoạch, ngay từ thời điểm này, UBND huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đã xây dựng Kế hoạch xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, với mong muốn đưa sản phẩm này không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn xuất khẩu.
Sản phẩm Na Chi Lăng đã được cấp đăng ký nhãn hiệu.
Chú trọng sản xuất an toàn
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương bên lề Họp báo giới thiệu Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 18 (AgroViet 2018) và Hội chợ sản phẩm nông nghiệp an toàn, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; Tuần lễ quảng bá Na Chi Lăng và đặc sản Lạng Sơn năm 2018, bà Lê Thị Thanh Nhàn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lạng Sơn - cho biết: Tính đến hết năm 2017, tổng diện tích cây ăn quả các loại trên địa bàn tỉnh là 20.000ha, trong đó, riêng cây na khoảng 2.800ha, sản lượng đạt trên 26.000 tấn, giá trị kinh tế ước đạt trên 700 tỷ đồng. Trong đó, diện tích na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 151,96ha, theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 5ha; diện tích còn lại đều được cam kết sản xuất an toàn theo quy định của Bộ NN&PTNT.
Năm 2011, sản phẩm Na Chi Lăng đã được Cục Sở hữu trí tuệ trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Năm 2013, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục đặc sản Na Chi Lăng của tỉnh Lạng Sơn lọt top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam.
Ông Đinh Hữu Học - Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng:
Với kế hoạch xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, dự kiến vụ na Chi Lăng năm 2018 giá trị sản xuất sẽ tăng hơn 100 tỷ đồng so với năm 2017.
|
Theo bà Lê Thị Thanh Nhàn, Na Chi Lăng nổi tiếng vì có hàm lượng dinh dưỡng cao, khi chín có mẫu mã đẹp, ăn ngon, lượng hạt ít cùi nhiều, hàm lượng đường, chất dinh dưỡng cao. Với giá bán như hiện nay, nhiều nhà vườn có thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, theo bà Nhàn, do một số nơi lợi dụng bán sản phẩm na trồng ở vùng khác dưới cái tên Na Chi Lăng khiến hình ảnh thương hiệu bị ảnh hưởng.
Đẩy mạnh xúc tiến, thúc đẩy tiêu thụ
Năm 2018, sản lượng na của tỉnh Lạng Sơn ước đạt khoảng 27.000 tấn. Trong đó, sản lượng na theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 1.500 tấn, na theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 48 tấn, số còn lại đều đã được các hội cam kết sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn.
Để thúc đẩy tiêu thụ, khơi thông thị trường trong nước và xuất khẩu, vào trung tuần tháng 8/2018, Lạng Sơn sẽ tổ chức Ngày hội na Chi Lăng. Trong năm 2018, tỉnh Lạng Sơn sẽ kết hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu các sản phẩm rau, củ, quả. Hiện địa phương đang phối hợp với Bộ NN&PTNT xúc tiến xuất khẩu trái na theo đường chính ngạch sang Trung Quốc. Đồng thời, chủ trương xúc tiến thương mại, xây dựng hồ sơ để xuất khẩu sang Australia như các loại trái cây khác.
Đặc biệt, để tránh việc lợi dụng thương hiệu Na Chi Lăng, năm 2018, tỉnh chú trọng đến chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn mác sản phẩm và thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc để bất cứ người tiêu dùng nào cũng có thể nhận biết được.
Theo các chuyên gia, hiện chuỗi giá trị na Chi Lăng đang dần hoàn chỉnh. Vấn đề đặt ra là phải đẩy mạnh khâu chế biến, bảo quản để có thể kéo dài được thời vụ cũng như nâng cao giá trị cho trái Na Chi Lăng.
www.baocongthuong.com.vn (ntmoanh)