SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hiệu quả của việc bổ sung canxi vào thức ăn trong quá trình ương giống Ốc bươu đồng (Pila polita)

[28/06/2018 14:47]

Hiệu quả của việc bổ sung canxi vào thức ăn trong quá trình ương giống Ốc bươu đồng (Pila polita)

Ảnh: sưu tầm.

Theo Dillon (2000), ốc bươu đồng Pila polita là loài ốc nước ngọt phổ biến ở Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, ốc bươu đồng là loài ốc bản địa, chúng thường phân bố ở các ao, kênh rạch và đồng ruộng. Lê Văn Bình và Ngô Thị Thu Thảo (2013) nghiên cứu ảnh hưởng các loại thức ăn đến sinh trưởng và tỷ lệ sống ốc bươu đồng, kết quả cho thấy ốc bươu đồng cho ăn thức ăn công nghiệp đạt chiều cao và khối lượng cao nhất (14,79 mm và 0,71 g) so với cho ăn cám gạo hoặc bột khoai mì. Canxi được xem là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến sự phân bố của nhiều loài thủy sản nước ngọt, đặc biệt là nhóm động vật thân mềm có vỏ (Okland, 1983; Briers, 2003), các loài này cần canxi cho sự tồn tại và phát triển. Tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống và sức sinh sản giảm khi trong môi trường có hàm lượng canxi thấp (Madsen, 1987; Kritsanapuntu et al., 2006; Zalizniak et al., 2009). Ngoài ra, khi hàm lượng canxi ở động vật thân mềm thấp ốc sẽ có vỏ mỏng, có khả năng làm cho con mồi tấn công dễ dàng và dễ bị tổn thương hơn do sức chịu đựng của lớp vỏ kém (Hincks and Mackie, 1997; Lewis and Magnuson, 1999; Nancy and Darby, 2008; Zalizniak et al., 2009). Trong môi trường có hàm lượng canxi cao, động vật thân mềm sẽ có khuynh hướng phát triển vỏ dày hơn so với sống trong môi trường có hàm lượng canxi thấp hơn (Rundle et al., 2004; Czarnoleski et al., 2006; Dalesman and Lukowiak, 2010). Theo Greenaway (1971) sự hấp thu canxi ở những môi trường có hàm lượng canxi cao ảnh hưởng đến cân bằng điện giải trong huyết tương của ốc Lymnaea stagnalis và vận chuyển thụ động canxi có thể xảy ra khi hàm lượng canxi trên 20 mg/L, trong khi hàm lượng canxi 15 mg/L trong môi trường thì ốc Lymnaea stagnalis có thể hấp thu trên 50% canxi. Chaitanawisuti et al. (2010) nghiên cứu ảnh hưởng các hàm lượng canxi đến tăng trưởng ốc hương giống Babylonia areolata, kết quả cho thấy hàm lượng canxi 1% thì tăng trưởng của ốc đạt tối ưu và hiệu quả sử dụng thức ăn tốt nhất. Đối với bào ngư không đòi hỏi mức độ canxi cao chỉ cần 0,05% (Coote et al., 1996). Oluokun et al. (2005) cho rằng ốc Archachatina marginata có nhu cầu cao về canxi (6-8%) để sinh trưởng khối lượng, phát triển chiều dài và sử dụng thức ăn tốt hơn. Theo Ngô Thị Thu Thảo và ctv. (2013) nhận định ốc bươu đồng có tốc độ tăng trưởng càng nhanh sẽ có nhu cầu hấp thụ canxi càng nhiều để hình thành vỏ cho quá trình phát triển. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của việc bổ sung canxi với các hàm lượng khác nhau vào thức ăn đến sinh trưởng và tỷ lệ sống ốc bươu đồng Pila polita trong giai đoạn ương giống, góp phần làm cơ sở cho việc nâng cao hiệu quả sản xuất giống loài ốc này.

Thí nghiệm gồm có 5 nghiệm thức và được lặp lại 3 lần là: 1) Thức ăn công nghiệp (ĐC), 2) Thức ăn công nghiệp trộn 1% canxi (Ca1), 3) Thức ăn công nghiệp trộn 3% canxi (Ca3), 4) Thức ăn công nghiệp trộn 5% canxi (Ca5), 5) Thức ăn công nghiệp trộn 7% canxi (Ca7). Ốc giống mới nở có chiều cao và khối lượng ban đầu là 4,3 mm và 0,06 g được ương trong bể composite (kích thước 80×60 cm, chiều cao cột nước 30 cm) với mật độ 50 con/bể. Sau 40 ngày ương, khối lượng và chiều cao trung bình của ốc ở nghiệm thức Ca5 (2,04g và 18,37mm) cao hơn (p<0,05) so với ĐC (1,51 g và 16,36 mm), Ca1 (1,85 g và 17,65 mm), Ca3 (1,96 g và 18,12 mm) và Ca7 (1,80 g và 17,72 mm). Tỷ lệ sống của ốc không khác biệt khi cho ăn bổ sung các hàm lượng canxi khác nhau (p>0,05). Nghiệm thức Ca5 cho năng suất ốc cao nhất (133,9 g/m2) và cao hơn (p<0,05) so với ĐC (97,52 g/m2), Ca1 (126,6 g/m2), Ca3 (124,9 g/m2) và Ca7 (118,8 g/m2). Kết quả nghiên cứu này cho thấy tốc độ tăng trưởng và năng suất ốc bươu đồng đạt cao nhất khi ương bằng thức ăn công nghiệp bổ sung thêm 5% canxi.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 52, Phần B(2017)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ