SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đa dạng về hình thái của cá hường (Helostoma temminkii CUVIER, 1829) ở đồng bằng sông Cửu Long

[28/06/2018 15:44]

Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Phương Thảo và Dương Thúy Yên - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Các chỉ tiêu hình thái của cá hường

Sự khác biệt giữa các cá thể trong quá trình phát triển, tăng trưởng và trưởng thành tạo nên sự đa dạng hình thái ở nhiều loài cá (Cardin, 2000). Sự đa dạng này thường được cho là do sự khác biệt về di truyền hoặc do khả năng thích ứng với môi trường sống khác nhau (Langerhans et al., 2003). Ngoài ra, sự cô lập về địa lý cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt về hình thái giữa các quần thể trong cùng một loài. Do đó, các chỉ tiêu hình thái có thể được dùng để phân biệt các quần thể cá (Cardin, 2000).

Cá hường (Helostoma temminkii) có kích thước phổ biến khoảng 20 cm, chúng thường được tìm thấy ở các vùng nước chảy chậm hoặc nước đứng ở các con kênh, vùng ngập nước, ao và hồ từ Thái Lan đến Indonesia. Thức ăn của chúng là thực vật phù du và động vật phù du, cũng như các loại côn trùng dưới nước sống gần bề mặt nước (Rainboth, 1996). Ở Việt Nam, cá hường được nuôi nhiều ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ở khu vực này, cá hường thường được nuôi ghép cùng với một số loài khác như cá tai tượng (Osphronemus goramy), cá trôi (Cirrhina mrigala), cá chép (Cyprinus carpio), cá mè trắng (Hypophthalmichthys molitrix)… (Thompson và Crumlish, 2001, trích bởi Hekimoglu et al., 2014).

Hình ảnh đại diện 5 quần thể cá hường

Tuy đây là đối tượng nuôi phổ biến ở vùng ĐBSCL, nhưng tính đến nay các nghiên cứu về sự đa dạng hình thái của cá hường hầu như chưa có. Cá hường sống trong môi trường nuôi có thể thay đổi hình thái khác với cá sống trong môi trường tự nhiên. Hiện nay, theo một số người dân đánh bắt cá, cá hường rất khó tìm thấy ngoài thủy vực tự nhiên. Song, trong khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An), cá hường được quan sát thấy sống theo bầy đàn.

Vì vậy, nghiên cứu này nhằm tìm hiểu sự đa dạng hình thái của cá hường trong tự nhiên và trong ao nuôi ở các địa phương khác nhau của vùng ĐBSCL và đánh giá khả năng phân biệt quần thể cá hường bằng phương pháp hình thái. 

Qua quá trình nghiên cứu, kết quả cho thấy, các chỉ tiêu số lượng và chỉ tiêu đo hình thái bên ngoài được phân tích trên mẫu cá tươi (21-40 mẫu/quần thể). Các mẫu cá được thu bằng lưới kéo tay ở thủy vực tự nhiên thuộc Long An và các ao nuôi ở các tỉnh như: Trà Vinh, Đồng Tháp, Hậu Giang và Cần Thơ. Về màu sắc, cá hường thường có 2 màu phổ biến là màu hồng và màu xám tro. Các chỉ tiêu đếm của cả 5 quần thể cá hường dao động trong các khoảng tương tự nhau. Tuy nhiên, khi phân tích các chỉ tiêu hình thái đo thì tất cả (23) chỉ số sinh trắc (tỉ lệ số đo được tính theo chiều dài chuẩn và chiều dài đầu) khác biệt có ý nghĩa (p<0,01) giữa các quần thể. Kết quả phân tích nhóm dựa trên 23 chỉ số sinh trắc cho thấy 5 quần thể có sự tách biệt tương đối rõ ràng, đặc biệt quần thể cá Long An và Hậu Giang khác biệt so với 3 quần thể còn lại. Các chỉ tiêu chính để phân biệt các quần thể là cao thân và khoảng cách 2 mắt. Phân tích nhóm dựa trên chỉ tiêu đo có thể xếp đúng 71,4-96,7% cá thể vào nhóm thu mẫu ban đầu. Nhìn chung, cá hường thể hiện tính đa dạng cao về hình thái.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 52, Phần B(2017)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ