Sử dụng Rifamycin như chất kiềm hãm vi khuẩn và ứng dụng kỹ thuật đánh dấu đồng vị bền N15 trong nghiên cứu hấp thụ dinh dưỡng của Artemia trong điều kiện Gnotobiotic
Nghiên cứu do các tác giả: Huỳnh Thanh Tới và Nguyễn Thị Hồng Vân - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Tỉ lệ sống (%) của Artemia vào ngày nuôi thứ 6
Ấu trùng Artemia được xem là loại thức ăn tươi sống tốt cho sự phát triển của các loài tôm cá giai đoạn ấu trùng bởi vì nó đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng và tiện lợi khi sử dụng (Sorgeloos et al., 2001). Thêm vào đó, Artemia trưởng thành có giá trị dinh dưỡng cao như hàm lượng protein gần 50% và lipid 10% cùng với giàu các acid béo thiết yếu, vì thế nó đã được sử dụng để thay thế bột cá trong thành phần thức ăn cho các loài thủy sản (Anh et al., 2009).
Artemia được nuôi bằng các loại thức ăn như tảo (Fábregas et al., 1996; Thinh et al., 1999) nhưng giá thành khá cao khi nuôi chúng bằng tảo trong bể (Lavens and Sorgeloos, 1991). Nhờ vào khả năng ăn lọc của chúng, nên Artemia cũng được nuôi bằng các loại thức ăn khác như cám gạo, bột đậu nành (Anh et al., 2009), phân gà (Baert et al., 1997), nấm men (Coutteau et al., 1990). Trong mô hình nuôi truyền thống tại Vĩnh Châu, Sóc Trăng, Artemia được cho ăn bằng tảo (gây màu từ ao bón phân bằng phân gà, phân vô cơ), phân gà, và cám gạo được sử dụng như là thức ăn bổ sung (Baert et al., 1997; Nguyễn Văn Hòa và ctv., 2007), nhưng vai trò vi khuẩn trong khẩu phần thức ăn của Artemia thì chưa được quan tâm nhiều. Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ biofloc trong nuôi Artemia (Ronald et al., 2013; Sui et al., 2013) đã cải thiện được năng suất trứng bào xác Artemia, nhưng các số liệu tham khảo của thí nghiệm trên vẫn chưa chứng minh được Artemia có khả năng sử dụng và tiêu hóa được vi khuẩn trong môi trường nuôi. Hơn nữa, rất khó để xác định được sự đóng góp về mặt dinh dưỡng của vi khuẩn trong chuỗi thức ăn của Artemia trong điều kiện nuôi ao vì Artemia ăn lọc rất nhiều loại thức ăn khác nhau hiện diện trong môi trường nước nuôi nhưng với việc phân lập vi khuẩn từ ao nuôi và đưa về phòng thí nghiệm với các điều kiện được kiểm soát thì có thể thực hiện được.
Trong điều kiện phòng thí nghiệm, vi khuẩn đã được chứng minh là nguồn thức ăn cho Artemia trong điều kiện thức ăn đơn thuần (Yasuda and Taga, 1980; Intriago and Jones, 1993; Gorospe et al., 1996, Toi et al., 2014). Tuy nhiên, khi kết hợp nhiều loại thức ăn với nhau thì rất khó xác định được Artemia đã ăn loại thức ăn nào làm nguồn dinh dưỡng cho quá trình phát triển của chúng. Với kỹ thuật đánh dấu nitơ đồng vị bền N15 trên protein của thành phần thức ăn, một số nghiên cứu trước đã xác định được quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn đơn trong hỗn hợp thức ăn đối với tôm sú Penaeus monodon (Preston et al., 1996). Bên cạnh đó, tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei (Burford et al., 2004) và cá rô phi (Avnimelech et al., 2009) được nuôi trong hệ thống biofloc cũng chứng minh được cá và tôm đã tiêu hóa và hấp thụ biofloc như loại thức ăn bổ sung. Do vậy, thí nghiệm hiện tại được tiến hành sử dụng chất đánh dấu đồng vị bền N15 để theo dõi đường đi của dinh dưỡng từ vi khuẩn trong hỗn hợp thức ăn sang Artemia làm cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo ở điều kiện thực địa.
Thí nghiệm được thực hiện nhằm đánh giá khả năng lọc và hấp thụ dinh dưỡng của Artemia từ vi khuẩn trong điều kiện gnotobiotic (là điều kiện đã biết được loài vi khuẩn trong môi trường nuôi). Artemia được cho ăn với thức ăn pha trộn theo phần trăm giữa nấm men Saccharomyces cerevisiae dòng mnn9 và vi khuẩn HT3 (Tamlana sp. ZJU HZ22) đã được đánh dấu chất đồng vị bền N15, phần trăm của vi khuẩn trong khẩu phần ăn được tăng dần 25% theo nghiệm thức, và rifamycin được sử dụng với nồng độ 10 ppm để kiềm hãm sự phân chia của vi khuẩn (tránh làm giảm đi hàm lượng N15 trong vi khuẩn). Kết quả cho thấy rifamycin không ảnh hưởng đến tỉ lệ sống và tăng trưởng của Artemia sau 6 ngày nuôi. Hàm lượng N15 tích tụ trong mô của Artemia tỉ lệ thuận với sự tăng dần của vi khuẩn trong khẩu phần ăn. Kết quả này đã làm sáng tỏ Artemia có khả năng tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng từ vi khuẩn và Artemia tiêu thụ nhiều vi khuẩn khi điều kiện nuôi thiếu thức ăn.
Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 53, Phần B(2017)