Nghiên cứu điều kiện tồn trữ và hiệu quả của chất bảo vệ sự tồn tại thực khuẩn thể trong quản lý bệnh chất bìa lá lúa do vi khuẩn Xanthomonas oryae pv. Oryzae trong điều kiện nhà lưới
Nghiên cứu do các tác giả: Huỳnh Thanh Suôl, Ngô Bá Tước và Nguyễn Thị Thu Nga - Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: sưu tầm
Cháy bìa lá lúa do vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv. oryzae (Xoo) là mầm bệnh quan trọng ở các khu vực trồng lúa trên thế giới bao gồm châu Á, Bắc Australia, châu Phi, châu Mỹ Latinh (Gnanamanickam, 2009). Ở Việt Nam ghi nhận gây hại nặng trên các giống Jasmine 85, OMCS 2000, OM2490, OM2492, OM2517, OM4498 và OM4656 trên diện rộng (Loan et al., 2006).
Với ưu thế thân thiện với môi trường, sản phẩm an toàn cho người sử dụng, biện pháp sinh học sử dụng các vi sinh vật đối kháng với mầm bệnh đang được các nhà khoa học quan tâm, trong đó có liệu pháp sử dụng thực khuẩn thể (TKT). Hướng nghiên cứu về TKT để quản lý vi khuẩn gây bệnh cháy bìa lá lúa do X. oryzae pv. oryzae cũng được bắt đầu sớm nhất vào năm 1953 bởi Yoshii et al., (Wakimoto, 1960). Theo Lương Hữu Tâm (2013) và Nguyễn Thị Trúc Giang et al. (2014), nghiên cứu và phân lập TKT ký sinh và tiêu diệt vi khuẩn Xoo gây bệnh cháy bìa lá, có hiệu quả ngăn chặn bệnh trong điều kiện nhà lưới với mật số 108 pfu/ml. Theo Chae et al. (2014), TKT có khả năng quản lý bệnh cháy bìa lá trong điều kiện ngoài đồng đến 51%, có thể là biện pháp thay thế biện pháp hóa học trong quản lý bệnh.
Tiềm năng của TKT trong quản lý bệnh cháy bìa lá lúa là rất lớn. Nghiên cứu này nhằm tìm ra điều kiện tồn trữ TKT để dễ sử dụng và bảo quản lâu dài hơn, cũng như ứng dụng TKT này kết hợp với các chất bảo vệ giúp duy trì sự tồn tại của TKT trên bề mặt tán lá lúa dưới điều kiện ánh nắng mặt trời, góp phần tăng hiệu lực quản lý mầm bệnh của TKT.
Nghiên cứu chất phụ gia phục hồi thực khuẩn thể (TKT) sau đông khô ghi nhận Glucose 10% cho hiệu quả tốt nhất, sau đó là Mannitol (5% và 10%). Khảo sát thời gian tồn trữ ở 3 điều kiện tồn trữ cho thấy dạng bột đông khô trữ nhiệt độ phòng duy trì mật số TKT ổn định đến 5 tháng, trong khi dạng lỏng trữ ở 40C và nhiệt độ phòng mật số TKT giảm mạnh sau 3 và 1 tháng tồn trữ, tuần tự. Nghiên cứu chất bảo vệ giúp TKT tồn tại dưới ánh nắng mặt trời, mật số TKT duy trì tương đương nhau ở các nghiệm thức trong 24 giờ sau khi phun trên bề mặt tán lá lúa. Nghiệm thức TKT + sữa tách béo giúp duy trì mật số TKT tốt lên đến 5 ngày, ở các nghiệm thức còn lại thì mật số giảm mạnh. Tuy nhiên, hiệu quả giảm bệnh không tương quan với mật số TKT trên lá lúa. Kết quả này là do hiệu quả giảm bệnh được quyết định dựa vào số lượng TKT tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh trong vài giờ đầu nên việc suy giảm mật số TKT sau 24 giờ không ảnh hưởng đến hiệu quả giảm bệnh. Riêng nghiệm thức TKT + bột đậu xanh hoặc đậu nành thể hiện giảm phần trăm diện tích lá bệnh tốt hơn, hiệu quả của hai nghiệm thức này có thể do sự tác động của chất bảo vệ lên tính kháng bệnh của cây bên cạnh tác động của TKT.
Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 53, Phần B(2017)