Tạo chìa khóa phát triển công nghệ cao
Ngày 15.8, Vườn ươm Công nghệ cao Đà Nẵng sẽ chính thức khởi công xây dựng, theo đuổi việc trở thành chìa khóa thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của các doanh nghiệp công nghệ cao tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
TS Võ Văn Chi.
KH&PT hỏi chuyện Võ Văn Chi, - Phó Trưởng ban (phụ trách) Ban Nghiên cứu ứng dụng và Phát triển công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp - Ban Quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng về hành trình này.
Thưa ông, tại sao tại phải thành lập Vườn ươm công nghệ cao?
Tên gọi chính xác là Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao (CNC), đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Đà Nẵng theo Quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ. Khu CNC Đà Nẵng là một trong ba khu CNC đa chức năng cấp quốc gia, trong đó có chức năng ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.
Do đó, việc thành lập vườn ươm là cần thiết để tổ chức triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong các Khu CNC quốc gia. Trên thực tế, Khu CNC Hòa Lạc và Khu CNC Thành phố Hồ Chí Minh đều đã thành lập vườn ươm từ năm 2006. Khu CNC Đà Nẵng cũng đang chuẩn bị khởi công xây dựng giai đoạn một Trung tâm Ươm tạo trong tháng 8/2018.
Chúng tôi tin rằng, hoạt động ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao sẽ tạo động lực cho hoạt động đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu - phát triển tại Khu CNC Đà Nẵng. Trung tâm Ươm tạo sẽ là chìa khóa thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của các doanh nghiệp công nghệ cao tại khu vực miền Trung -Tây Nguyên,trở thành cầu nối hữu hiệu gắn kết giới khoa học công nghệ với giới doanh nhân, rút ngắn đoạn đường từ kết quả nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm đến các sản phẩm trên thị trường.
Theo thông tin chúng tôi biết, giai đoạn đầu Vườn ươm gặp nhiều trở ngại về khâu triển khai. Các ông đã vượt qua những điều đó như thế nào?
Dự án thành lập Trung tâm Ươm tạo đã có từ nhiều năm trước, tuy nhiên, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn vốn để triển khai thực hiện. Việc huy
động nguồn vốn từ khu vực tư nhân không khả thi do việc đầu tư và vận hành Trung tâm Ươm tạo về công nghệ cao có tính rủi ro rất cao.
Trên thực tế, các vườn ươm tại Khu CNC Hòa Lạc và Khu CNC thành phố Hồ Chí Minh đều được đảm bảo kinh phí đầu tư và vận hành từ ngân sách nhà nước. Năm 2018, trong bối cảnh ngân sách thành phố còn nhiều khó khăn, được sự chấp thuận của HĐND thành phố, UBND thành phố Đà Nẵng đã bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước để bắt đầu triển khai xây dựng Trung tâm Ươm tạo.
Phối cảnh Tòa nhà làm việc của Ban Quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng, mô phỏng hình đám mây theo xu hướng Công nghệ 4.0 (chuẩn bị xây dựng). Ảnh: Nvee
Bước ngoặt nào dẫn đến việc dự án nằm im khá lâu đến giờ có thể tiếp tục triển khai, thưa ông?
Theo tôi, bước ngoặt quan trọng nhất đối với Trung tâm Ươm tạo cho đến hiện nay là thời điểm thành phố Đà Nẵng quyết định bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, điều đó có nghĩa Trung tâm Ươm tạo sẽ chính thức triển khai khóa ươm tạo đầu tiên dự kiến vào tháng 6.2019.
Việc đầu tư xây dựng Trung tâm Ươm tạo vào thời điểm hiện nay phù hợp sự quan tâm của Lãnh đạo Chính phủ trong việc nâng cao tính năng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ thí điểm tại Khu CNC Đà Nẵng. Đó là một cơ hội lớn đối với hoạt động ươm tạo doanh nghiệp tại Khu CNC Đà Nẵng.
Để tận dụng cơ hội này, chúng tôi thường liên kết, học tập các mô hình trong nước cũng như trên thế giới. Chúng tôi đã đi tham quan thực tế ký kết MOU với Đại học Quốc gia Hanbat (Hàn Quốc), Đại học Nice-Sophia Antipolis (Pháp), trong đó có nội dung hợp tác đào tạo, nâng cao năng lực ươm tạo doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Trong tháng 8/2018, chúng tôi sẽ tham gia đoàn công tác của thành phố và dự kiến sẽ ký kết MOU với Công ty Gav Yam (Israel) và đề xuất hợp tác với Công viên khoa học thành phố Torku (Phần Lan), trong đó có hợp tác về hoạt động đổi mới sáng tạo.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang giao Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ nghiên cứu nâng cao tính năng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ thực hiện thí điểm tại Khu CNC Đà Nẵng. Đây là thời điểm, thời cơ quan trọng để Trung tâm Ươm tạo hình thành trên cơ sở vận dụng kinh nghiệm quốc tế, trong nước để có thể vận hành theo một mô hình mới, cơ chế, chính sách mới, là cơ sở để nhân rộng ra trên các cơ sở ươm tạo, vườn ươm khác trên cả nước.
Buổi lễ ký kết MOU giữa Ban Quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Đại học Quốc gia Hanbat (Hàn Quốc), tháng 7/2017. Ảnh: Nvee.
Tò mò một chút, những lúc ngồi chờ nhiều năm trời mà dự án này không chạy được, ông có… nản lòng không?
Bản thân tôi tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố Đà Nẵng (hay còn gọi là Đề án 922) từ năm 2004 để theo học tại Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh chuyên ngành Vật liệu tiên tiến. Sau khi tốt nghiệp năm 2009, tôi tiếp tục nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Grenoble Alpes - Cộng hòa Pháp. Năm 2013, tôi về công tác tại Ban Quản lý Khu CNC cho đến nay. Hiện nay, tôi đang phụ trách tham mưu quản lý nhà nước về hoạt động nghiên cứu – phát triển và ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.
Tôi luôn có định hướng trở về làm việc tại Đà Nẵng sau khi hoàn thành quá trình học tập, nghiên cứu. Trong thời gian còn ở Pháp, tôi đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về những nơi mình có thể về làm việc, trong đó có Khu CNC Đà Nẵng. Khi trở về, tôi đã đề xuất nguyện vọng và được thành phố Đà Nẵng chấp thuận bố trí công tác tại đây. Tôi tin rằng mình có thể phát huy được khả năng của mình để đóng góp một phần nhỏ vào sự phát triển chung của thành phố mà tôi luôn tự hào khi giới thiệu: Đà Nẵng.
Các doanh nghiệp tham gia Vườn ươm công nghệ cao thì có những lợi thế gì, thưa ông?
Quyền lợi của tổ chức, các cá nhân ươm tạo doanh nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi theo quy định của pháp luật về công nghệ cao như hỗ trợ 50% tiền thuê nhà, xưởng; được tư vấn miễn phí, cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến hoạt động ươm tạo; được thuê cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ với điều kiện ưu đãi; được tạo điều kiện sử dụng các trang thiết bị của các phòng thí nghiệm do nhà nước đầu tư trong Khu CNC được hỗ trợ vay vốn các tổ chức tài chính và các quỹ đầu tư. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu để triển khai có hiệu quả những chính sách trên và đề xuất những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợđặc thù khác.
Các doanh nghiệp trong Khu CNC Đà Nẵng hoàn toàn có thể là khách hàng của nhau, cụ thể các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Trung tâm Ươm tạo có thể cung cấp sản phẩm, công nghệ, dịch vụ của mình cho các doanh nghiệp sản xuất khác trong Khu CNC. Bên cạnh đó, một số dự án trong Khu CNC là dự án cho thuê nhà xưởng có thể cung cấp mặt bằng cho các dự án khởi nghiệp công nghệ. Và một khi ươm tạo thành công, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể phát triển thành một dự án đầu
tư trong Khu CNC.
Xin cảm ơn ông.
Lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng
- Công nghiệp 4.0 đang mở ra một triển vọng phát triển to lớn cho hoạt động khởi nghiệp công nghệ tại Khu CNC Đà Nẵng.
- Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Khu CNC Đà Nẵng hiện nhận được sự quan tâm, sâu sát của lãnh đạo Chính phủ nên có điều kiện để đề xuất Trung ương những cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá.
- Đà Nẵng có chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và quốc tế, về cơ bản đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo.
- Trung tâm Ươm tạo sau này là một đơn vị sự nghiệp do UBND thành phố Đà Nẵng đầu tư xây dựng và thành lập nên có nhiều thuận lợi trong việc huy động nguồn lực thành phố để triển khai hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
- Trung tâm Ươm tạo đảm nhận một trong những vai trò của Khu CNC quốc gia đa chức năng duy nhất của Khu vực miền Trung -Tây Nguyên nên có thị trường hoạt động rộng lớn.
- Trung tâm Ươm tạo tiếp nhận, vận dụng kinh nghiệm từ các vườn ươm tại Khu CNC Hòa Lạc và Khu CNC thành phố Hồ Chí Minh, và đặc biệt là kinh nghiệm từ Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) để xác định mô hình vận hành hiệu quả của mình.
|
Phó GS - TS Vũ Minh Khương - Đại học Quốc gia Singapore: Đẩy nhanh công cuộc phát triển Đà Nẵng với động lực sáng tạo, khởi nghiệp
TS. Kum Dongwha (thứ hai, từ phải sang) Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam -Hàn Quốc (VKIST) tư vấn định hướng hoạt động đổi mới sáng tạo tại Trung tâm Ươm tạo, tháng 7/2018. Ảnh: Nvee.
TS. Kum Dongwha (thứ hai, từ phải sang) Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam -Hàn Quốc (VKIST) tư vấn định hướng hoạt động đổi mới sáng tạo tại Trung tâm Ươm tạo, tháng 7/2018. Ảnh: Nvee
Đà Nẵng sẽ nổi lên như một thành phố hàng đầu trong nỗ lực cải biến số (digital transformation) và gìn giữ thiên nhiên (nature preservation). Định vị chiến lược này cần kêu gọi mọi người giúp đỡ và phối hợp. Du lịch và dịch vụ cần là ngành kinh tế chủ đạo, không chỉ giúp Đà Nẵng phát triển nhanh hơn mà còn là một điểm tựa để Đà Nẵng giúp cả nước vượt lên trong lĩnh vực này. Từ những chỉ số kinh tế, xã hội của Đà Nẵng trong bức tranh phát triển chung của cả nước, cần khai thác vị trí thủ phủ miền Trung một cách hiệu quả.
Lộ trình chiến lược cho Đà Nẵng có thể bắt đầu từ mong muốn giải các bài toán khó thông qua các chương trình hackathons (tạm dịch: sự kiện quy tụ những nhà giải quyết vấn đề, tổ chức trong ngắn hạn để xử lý những đề bài có sẵn), platforms - nền kinh tế dựa trên mạng nền tảng. Đặc biệ cần chú trọng tham vấn các doanh nghiệp thành đạt đã có mặt tại Đà Nẵng hoặc mong muốn góp sức cùng Đà Nẵng phát triển. Song song đó là chiến lược thu hút tài năng.
(Tài liệu hội thảo Nâng cao tính năng sáng tạo, khởi nghiệp tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Đà Nẵng 23.07.2018)
http://khoahocphattrien.vn (ttncac)