Vai trò của Hydrocarbon biểu bì trong pheromone giới tính của sâu đục dây khoai lang Omphisa anastomosalis Guenée (Lepidoptera: Crambidae)
Vai trò của Hydrocarbon biểu bì trong pheromone giới tính của sâu đục dây khoai lang Omphisa anastomosalis Guenée (Lepidoptera: Crambidae)
Chuẩn bị mồi là ngài cái chưa giao phối
A: ngài cái chưa giao phối; B lồng inox nhốt ngài cái (đáy lồng được dán lại bằng giấy bìa cứng); C: lồng nhốt ngài cái được đặt vào giữa tấm dính của bẫy
Sâu đục dây khoai lang Omphisa anastomasalis Guenée (Lepidoptera: Crambidae) là một trong những loài côn trùng gây hại nguy hiểm nhất trên khoai lang vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á và Thái Bình Dương (Waterhouse, 1993; Ames et al., 1997). Cùng với sùng khoai lang (Cylas formicarius Fab.) và mọt khoai lang (Euscepes postfasciatus Fairmaire), O. anastomosalis là một trong ba đối tượng bị kiểm dịch khi khoai lang nhập khẩu vào Mỹ và Nhật (Follett, 2004; Follett and Neven, 2006; Wakamura et al., 2010). Ấu trùng mới nở của O. anastomosalis gây hại bằng cách đục vào chồi non, cuống lá và các vết nứt trên dây khoai, tùy thuộc vào vị trí trứng được đẻ. Sự tấn công vào chồi non sẽ làm cho chồi không phát triển và chết dần, sự tấn công vào cuống lá hay các vết nứt làm cho dây khoai bị rỗng, dây bị héo vàng từ nơi đục đến đọt (Lê Văn Vàng và ctv., 2011). Sự gây hại của O. anastomosalis có thể làm năng suất giảm từ 40-56,2%, tuỳ theo thời điểm gây hại (Nguyễn Đức Khiêm, 2006).
Pheromone giới tính là hóa chất, hỗn hợp các hóa chất tín hiệu được tiết ra bên ngoài môi trường để hấp dẫn sự bắt cặp của những cá thể khác giới trong cùng một loài (Lê Văn Vàng, 2016). Do hoạt động như các hợp chất sinh học có tính chọn lọc cao, ở nồng độ rất thấp, không để lại dư lượng, không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người và môi trường, áp dụng pheromone giới tính được xem là công cụ hiệu quả trong chiến lược quản lý côn trùng (Vang, 2006; Witzgall et al., 2010). Pheromone giới tính của O. anastomosalis đã được xác định là hỗn hợp của các thành phần gồm hợp chất (10E,14E)-10,14-hexadecadienal (E10,E1416:Ald), hợp chất (E)-10-hexadecenal (E1016:Ald) và hợp chất (E)-14-hexadecenal (E1416:Ald) (Wakamura et al., 2010). Tuy nhiên, mồi pheromone được điều chế từ các thành phần trên cho hiệu quả hấp dẫn rất thấp đối với ngài O. anastosalis đực trong điều kiện ngoài đồng ở Nhật và Việt Nam (Wakamura et al., 2010; Lý Thanh Tùng, 2012). Kết quả phân tích của Yan et al. (2014) đã phát hiện dấu vết của hợp chất (3Z,6Z,9Z)-3,6,9-tricosatriene (Z3,Z6,Z9-23:H), một hợp chất hydrocarbon trong mẫu pheromone ly trích mà khi thêm hợp chất này vào mồi đã làm tăng có ý nghĩa số lượng ngài O. anastosalis đực vào bẫy. Hydrocarbon là các hợp chất được côn trùng tiết ra trên bề mặt của biểu bì nhằm giúp ngăn chặn sự thấm nước. Thêm vào đó, hàm lượng của Z3,Z6,Z9-23:H hiện diện trong tuyến pheromone rất thấp (Yan et al., 2014).
Nghiên cứu này trình bày kết quả phân tích GCEAD và GC-MS của các mẫu ly trích từ tuyến pheromone, thân và cánh của ngài O. anastomsalis cái nhằm xác định có hay không hợp chất Z3,Z6,Z9-23:H là do tuyến pheromone tiết ra hay thuộc dạng hydrocarbon biểu bì (cuticle hydrocarbon) được tiết ra trên bề mặt cơ thể của ngài cái.
Kết quả phân tích mẫu ly trích từ tuyến pheromone ghi nhận được ba thành phần gồm các hợp chất E10-16:Ald, E14-16:Ald và E10,E14-16:Ald. Trong khi đó, kết quả phân tích mẫu ly trích từ thân đã ghi nhận được bốn thành phần với hợp chất Z3,Z6,Z9-23:H là thành phần thứ tư. Xa hơn, phân tích mẫu ly trích từ cánh chỉ ghi nhận được thành phần Z3,Z6,Z9-23:H. Điều này chứng tỏ thành phần Z3,Z6,Z9-23:H là một hydrocarbon biểu bì và được tiết ra từ bề mặt cơ thể của ngài cái. Trong đánh giá ngoài đồng, mồi pheromone được điều chế từ 3 thành phần ghi nhận trong tuyến pheromone không cho hiệu quả hấp dẫn đối với ngài O. anasotosalis đực. Khi được thêm vào mồi Z3,Z6,Z9-23:H đã làm gia tăng có ý nghĩa số lượng ngài O. anasotosalis đực vào bẫy, ngay cả cao hơn so với bẫy được đặt mồi là ngài cái chưa giao phối.
Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 53, Phần B(2017)