‘Ướm thử’ nội thất bằng công nghệ thực tế ảo
Chỉ cần có smartphone, người dùng dễ dàng đặt, ướm thử sản phẩm nội thất vào không gian thật trong ngôi nhà mình đến khi nào thấy ưng ý mới chọn mua.
Với công nghệ thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality – AR), nhóm sinh viên ĐH FPT đã biến việc mua sản phẩm nội thất trở nên “thật” hơn bằng ứng dụng mang tên ifAR. Người dùng có thể lựa chọn sản phẩm nội thất tại nhà, nhìn ngắm sản phẩm khi đặt tại vị trí mong muốn để có quyết định mua hàng phù hợp nhất theo nhu cầu.
IfAR được viết tắt từ Interior Furniture Augmented Reality System for Online Shopping – Hệ thống thực tế ảo tăng cường cho mua sắm nội thất trực tuyến. Đây cũng là đề tài tốt nghiệp của nhóm sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm Đại học FPT gồm: Nguyễn Phước Anh Khoa, Phan Hồng Đức, Bùi Thanh Thiên.
AR được hiểu đơn giản là công nghệ giúp người dùng có thể nhìn thấy những hình ảo ở đời thường thông qua màn hình thiết bị di động. Điển hình nổi bật nhất của công nghệ này chính là Pokemon Go – trò chơi từng gây sốt trong thời gian qua. AR đang bắt đầu trở thành một cuộc đua cho các thương hiệu lớn cạnh tranh bằng trải nghiệm của khách hàng về sản phẩm.
Giới thiệu về sản phẩm của nhóm mình, Anh Khoa, nhóm trưởng, cho biết, IfAR là một cửa hàng điện tử. Người bán có thể đăng sản phẩm và người mua tìm được những vật dụng nội thất mong muốn. Khi sử dụng ứng dụng IfAR, người dùng có thể dễ dàng đặt ướm thử sản phẩm vào không gian thật trước mắt, quan sát sản phẩm ở mọi góc độ và khoảng cách như sản phẩm đang được đặt trước mặt mình bằng cách di chuyển điện thoại xung quanh mô hình ảnh 3D của sản phẩm.
Đề tài ứng dụng công nghệ mới, nhóm sinh viên Kỹ thuật phần mềm ĐH FPT đã nhận được giải nhất Hội thảo nghiên cứu khoa học lần 4 tại trường.
Mô hình ảnh 3D này được tạo từ loạt ảnh chụp chồng chéo của sản phẩm ở 360 độ. Người bán có thể tự thực hiện bằng cách cung cấp thông tin chi tiết như kích thước, chất liệu, màu sắc… cùng 30 – 70 tấm ảnh, ứng dụng có thể tạo nên hình ảnh 3D đúng tỷ lệ, giúp tiết kiệm chi phí và tăng tính chủ động trong việc đăng bán sản phẩm. “Việc ướm thử trước khi mua hàng trở nên vô cùng thuận tiện, chân thật và trực quan hơn so với trước đây” – Khoa nói.
Ý tưởng hoàn toàn mới đã tạo thành một sự hào hứng cho nhóm sinh viên ĐH FPT, nhất là khi đây hoàn toàn là một ý tưởng khả thi và có khả năng thương mại hoá. Trưởng nhóm chia sẻ: “Đề tài này sử dụng các công nghệ mới, chưa có nhóm nào từng làm nên vừa là ưu thế vừa là khó khăn cho nhóm. Nó cũng là động lực để nhóm hoàn thiện IfAR trên hệ điều hành iOS và Android, tối ưu từ khâu bán hàng đến khâu mua hàng cho người dùng”.
Sau phần bảo vệ của nhóm, thầy Trần Nguyễn Đăng Khoa – Kiến trúc sư Giải pháp Công ty phần mềm FPT (FPT Software) chia sẻ, sinh viên rất nhạy cảm với công nghệ hiện đại và đã thông minh khi ứng đưa công nghệ vào giải quyết bài toán thực tế.
Nói về dự định tương lai, nhóm sinh viên ĐH FPT cho biết vẫn tiếp tục phát triển đề tài của mình và sẵn sàng cung cấp giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng công nghệ mới hệ thống mua bán trực tuyến.