SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

TLS của Artemia và copepoda khi nuôi chung ở độ mặn khác nhau

[08/08/2018 15:39]

Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Thị Hồng Vân và Huỳnh Thanh Tới - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Tỷ lệ sống của Artemia và copepoda khi nuôi chung ở độ mặn khác nhau

Artemia là nguồn thức ăn tươi sống đóng vai trò hết sức quan trọng trong ương nuôi con giống của các loài thủy sản nói chung và tôm cá biển nói riêng, nhu cầu sử dụng các sản phẩm Artemia cho nuôi trồng thủy sản đôi khi vượt cung (Sorgeloos et al., 2001), chỉ tính riêng ở Việt Nam mỗi năm các trại giống cần tới 300-400 tấn trứng trong khi vùng nuôi Sóc Trăng, Bạc Liêu chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% (Nguyễn Văn Hòa và ctv., 2007). Vì nghề nuôi Artemia có những đặc trưng riêng hạn chế sự mở rộng của vùng nuôi như Artemia chỉ tồn tại được ở những thủy vực có nồng độ muối cao (Van stappen, 2002) nên Artemia chỉ có thể phát triển được ở những nơi có nghề làm muối. Ở Việt Nam, Artemia được du nhập và nuôi tại vùng làm muối Vĩnh Châu - Bạc Liêu từ những năm 80 và song hành với nghề làm muối thì mùa vụ thường bắt đầu vào cuối tháng 11 dương lịch. Sau quá trình phơi nước, khi độ mặn trong ao nuôi đạt 80‰ (ngưỡng khuyến cáo thả giống đầu vụ) thì tiến hành thả giống và Artemia bắt đầu sinh sản sau 15-20 ngày thả nuôi (Nguyen Thi Ngoc Anh, 2009), thời điểm thu hoạch được trứng nhiều nhất trong vụ là từ tháng 01 đến tháng 03. Trong hơn hai thập kỷ qua kể từ khi nghề nuôi Artemia được phổ biến và phát triển, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để cải thiện năng suất trứng cũng như sinh khối (Baert et al., 1997; Nguyễn Văn Hòa, 2002; Nguyễn Thị Ngọc Anh, 2009) đã đi đến khẳng định rằng một số yếu tố chính liên quan đến năng suất ao nuôi có thể kể là độ mặn, mật độ thả nuôi và thời gian sản xuất.

Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian nuôi đồng nghĩa với việc thả giống sớm hơn so với mùa vụ vào đầu vụ, thời điểm này ao nuôi có độ mặn thấp hơn so với khuyến cáo. Đồng thời, việc kéo dài việc duy trì quần thể vào cuối vụ khi mưa nhiều làm giảm đi độ mặn trong ao để thu sinh khối. Việc thả nuôi Artemia ở độ mặn thấp không ảnh hưởng nhiều tới sinh trưởng và sinh sản của chúng (Nguyễn Thị Hồng Vân và ctv., 2010) nhưng chúng sẽ phải đối phó với các địch hại cạnh tranh chủ yếu là copepoda (Baert et al., 1997; Nguyễn Văn Hòa và ctv., 2007) làm giảm mật độ thả giống và khó duy trì quần thể. Copepoda là loài có khả năng sống khá rộng với độ muối, chúng có thể sống được ở độ mặn thấp hơn 1‰ và cao tới 72‰, phổ thức ăn cũng khá rộng từ ăn lọc, ăn tạp cho tới chủ động bắt mồi tùy theo từng giai đoạn trong vòng đời (Cervetto et al., 1999; Chen et al., 2006) trong khi Artemia là loài ăn lọc thụ động (Sorgeloos et al., 1990), do vậy khi chúng cùng hiện diện trong ao, copepoda sẽ ảnh hưởng tới Artemia với cả hai vai trò sinh vật cạnh tranh thức ăn và vật ăn mồi. Để tìm hiểu về mối quan hệ này trong môi trường nuôi Artemia, từ đó có những biện pháp giảm thiểu tác động của copepoda khi thả giống Artemia ở độ mặn thấp, đồng thời có thể đưa ra những khuyến cáo cho người nuôi Artemia để đạt được thành công trong việc thả giống là mục tiêu hướng đến trong nghiên cứu này.

Qua quá trình nghiên cứu, kết quả cho thấy, hai thí nghiệm được thực hiện gồm nuôi đơn ở các nồng độ muối (30‰, 50‰ và 70‰) như đối chứng và thí nghiệm nuôi chung với tương tác đa nhân tố gồm: nhân tố 1 (Artemia 1, 2 và 3 ngày tuổi), nhân tố 2 (mật độ copepoda 50; 100 và 200 cá thể/L), nhân tố 3 (độ mặn ở hai mức 30‰ và 50‰). Artemia của thí nghiệm được nuôi trong chai nhựa hình chóp 1,5 L chứa 1 L nước biển và mật độ Artemia bố trí trong các nghiệm thức là 150 con/L, mỗi thí nghiệm được theo dõi trong 5 ngày. Kết quả sau 5 ngày nuôi cho thấy, tỉ lệ sống (TLS) của Artemia không phụ thuộc vào độ mặn ở lô đối chứng nhưng trong nuôi chung thì TLS của Artemia phụ thuộc vào các nhân tố độ mặn, ngày tuổi Artemia và mật độ copepoda. Artemia không thể sống sót ở độ muối 30‰ khi có sự hiện diện của copepoda, nhưng ở độ muối cao hơn (50‰) thì TLS của Artemia tỷ lệ nghịch với mật độ của copepoda.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 54, Phần B(2018)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ