Ảnh hưởng của màu sắc ánh sáng khác nhau lên sự phát triển của tảo Chaetoceros CALCITRANS
Nghiên cứu do các tác giả: Trần Đình Huy - Học viên cao học Nôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ và Trần Sương Ngọc - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: sưu tầm.
Tôm biển là mặt hàng thủy sản quan trọng của Việt Nam, đem lại kim ngạch xuất khẩu cao (3,1 tỷ USD năm 2016) cho đất nước (Tổng cục Thủy sản, 2017). Ngoài sản lượng cao, chất lượng tôm phải đáp ứng được tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, để hạn chế việc sử dụng kháng sinh trong các hệ thống nuôi tôm thịt đòi hỏi nguồn tôm giống cung cấp cho quá trình nuôi phải sạch bệnh. Nhu cầu sản xuất con giống sạch bệnh cho hệ thống nuôi tôm biển nhằm nâng cao tỉ lệ sống và sản lượng nuôi được đặt ra, trong đó việc cung cấp thức ăn cho giai đoạn đầu của quá trình phát triển của tôm có tính quyết định và tảo Chaetoceros calcitrans được xem như nguồn tảo thích hợp cho giai đoạn này. Hiện nay, việc gây nuôi tảo C. calcitrans với thể tích lớn thường được bố trí ngoài trời nhằm tận dụng nguồn năng lượng ánh sáng mặt trời, tuy nhiên do phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết nên việc đảm bảo đủ sinh khối tảo cho ấu trùng tôm gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, sản xuất sinh khối tảo ngoài trời dễ xảy ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính vì khi bể được che chắn, nhiệt độ trong bể nuôi tảo thường vượt quá ngưỡng thích hợp cho sự phát triển của tảo (Trần Sương Ngọc và Phạm Thị Tuyết Ngân, 2014) làm giảm năng suất nuôi tảo. Việc sử dụng nguồn ánh sáng nhân tạo đòi hỏi nguồn ánh sáng phải có hiệu quả sử dụng cao, năng lượng tiêu thụ thấp và thời gian sử dụng lâu dài (Koc et al., 2013). Hệ thống phản ứng quang sinh học (photobioreactor) là hệ thống nuôi đạt năng suất cao, ánh sáng là một trong những yếu tố có tính chất quyết định đến sự thành công của hệ thống. Nguồn ánh sáng thường đặt bên ngoài hệ thống vì vậy nguyên liệu để chế tạo nên hệ thống ống hoặc hệ thống tấm được sử dụng là thủy tinh hoặc chất liệu trong suốt và thường được nhập từ nước ngoài. Điều này đã làm tăng chi phí đầu tư cho nhà sản xuất. Hơn nữa, khi tảo đạt mật độ cao sẽ ngăn cản khả năng dẫn truyền của ánh sáng dẫn đến hiện tượng cường độ ánh sáng yếu đi làm cho sản xuất sinh khối tảo giảm, ngược lại nếu tăng cường độ ánh sáng lên quá cao có thể làm tăng nhiệt độ đưa đến việc phá hủy tế bào và ức chế sự phát triển của tảo. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu số lượng và chất lượng tảo với giá thành rẻ cho các trại sản xuất giống tôm, cá biển đòi hỏi phải có nguồn ánh sáng hợp lý với các điều kiện sử dụng hiệu quả, có khả năng lắp đặt trong hệ thống nuôi mà không làm tăng năng lượng là một nhu cầu thiết thực trong tình hình hiện nay.
Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích đánh giá sự phát triển của vi tảo Chaetoceros calcitrans dưới các màu sắc ánh sáng khác nhau. Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức màu sắc ánh sáng (trắng, đỏ, xanh và ánh sáng tổng hợp giữa đỏ và xanh theo tỉ lệ 1:1) ở cường độ ánh sáng 3000 Lux và lặp lại 3 lần mỗi nghiệm thức. Các nghiệm thức được bố trí trong bình thủy tinh thể tích 8 L, độ mặn 25 ‰ với mật độ tảo ban đầu là 2×106 tb/mL. Kết quả cho thấy rằng mật độ tảo đạt cao nhất khi được nuôi cấy dưới ánh sáng kết hợp (16,06±0,19×106 tb/mL) và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với các nghiệm thức sử dụng ánh sáng trắng, xanh và đỏ. Kích thước tế bào và trọng lượng khô của tảo không có sự khác biệt (p>0,05) giữa các nghiệm thức. Nghiệm thức sử dụng ánh sáng tổng hợp cũng cho kết quả hàm lượng Carotenoid cao hơn (p<0,05) so với nghiệm thức ánh sáng đỏ. Từ kết quả thí nghiệm, có thể thấy rằng tảo Chaetoceros calcitrans nuôi dưới ánh sáng tổng hợp phát triển tốt hơn so với ánh sáng trắng, xanh và đỏ.
Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 54, Phần B(2018)