Phú Thọ: Hiệu quả từ mô hình thâm canh cây chè bón phân NPK khép kín và áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch
Nhiều năm qua cây chè đã mang lại nguồn thu ổn định cho những xã vùng đồi núi của huyện. Bên cạnh việc mở rộng diện tích đất trồng chè, thay thế những nương chè cằn cỗi bằng các giống chè mới có năng suất và chất lượng tốt, huyện Hạ Hòa còn chú trọng việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu qủa kinh tế của các vùng trồng chè trong huyện.
Mô hình sản xuất chè an toàn sử dụng phân bón NPK khép kín và ứng dụng cơ giới hóa vào khâu thu hái ở xã Hương Xạ, huyện Hạ Hòa; mô hình sản xuất chè an toàn sử dụng phân bón chuyên dùng NPK Văn Điển và sử dụng cây che bóng ở xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn; xã Ngọc Lập, huyện Yên lập; xã Ca Đình huyện Đoan Hùng sản phẩm được kiểm soát ATTP, được chứng nhận và gắn tem, nhãn để người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm an toàn và có thể truy xuất được nguồn gốc.
Từ tháng 2 đến tháng 8 năm 2018, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân thực hiện 3 đợt bón phân NPK Lâm Thao với tổng lượng phân bón từ 62-78 kg/sào. Do được bón phân từ đầu vụ xuân khi thời tiết có mưa, đất đủ ẩm nên phân bón phát huy hiệu quả cao. Cây chè có khả năng bật mầm tốt, cho búp đều, đẹp. Sử dụng phân bón NPK theo quy trình khép kín giúp cho cây chè phát triển cân đối về bộ rễ, thân lá; tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi. Đặc biệt số lượng búp xòe ít, búp vươn dài, mật độ búp nhiều, trọng lượng búp nặng, phiến lá dầy, chất lượng tốt. Sau 5 lứa thu hái chè cho thu hoạch 50.996 kg, trong đó đợt hái nhiều nhất đạt trên 7.500 kg chè búp. Hoạch toán kinh tế cho thấy năng xuất chè ở mô hình đạt 17.524 kg/ha và cho lãi 34.447.000 đồng/ha, cao hơn sản xuất chè theo cách truyền thống bón phân đơn 8.670.000 đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Bình – nông dân tham gia mô hình cho biết: “Gia đình tôi có 1,5 ha chè tham gia mô hình của Trạm Khuyến nông huyện, qua quá trình chăm sóc và thu hái chè tôi thấy sử dụng phân bón NPK Lâm Thao khép kín giúp cây chè phát triển rất đều. Năng suất chè so với năm 2013 tăng khoảng 20%. Đặc biệt là lượng phân đạm bón giảm 1/3 so với trước đây mà cây chè vẫn khỏe ít sâu bệnh và búp chè có chất lượng tốt”.
Bên cạnh việc bón phân NPK khép kín, mô hình còn áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch. Bà con nông dân được hướng dân cách sử dụng máy thu hái chè. Bằng cách thu hoạch này tán chè được giữ cấn đối, đẹp, búp được thu hái đều và tốn ít công lao động.
Với thành công của mô hình thâm canh cây chè sử dụng phân NPK Lâm Thao khép kín và áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch đã mở ra hướng đi mới cho cây chè trên đồng đất Hạ Hòa. Trong thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện Hạ Hòa sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình tới các xã trên địa bàn huyện từ đó tăng năng suất và chất lượng chè búp tươi của huyện, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè nói riêng và ngàng nông nghiệp của huyện nói chung./.