Phương pháp sử dụng thuốc và hóa chất trong chăn nuôi thủy sản
Vấn đề dịch bệnh vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của người nuôi trồng thủy sản, để giảm thiệt hại, người nuôi đã áp dụng một số phương pháp trị bệnh cho thủy sản nuôi bằng thuốc và hóa chất. Bên cạnh đó, để đạt hiệu quả cao khi sử dụng hóa chất cần tuân thủ cần chọn loại hóa chất dễ sử dụng và đơn giản, có hiệu quả và tác dụng nhanh, mang lại hiệu quả kinh tế sau khi sử dụng hóa chất. Sau đây là một số cách sử dụng thuốc và hóa chất được thường sử dụng nhiều trong nuôi trồng thủy sản.
Ảnh minh họa
Phương pháp tắm: động vật thủy sản được tập trung tại một diện tích nhỏ như trại giống hoặc dụng cụ chứa có thể tích nhỏ và ngâm trong trong thời gian ngắn để sát khuẩn, tiêu diệt mầm bệnh bên ngoài thân thể cá với nồng độ thuốc tương đối cao.
Phương pháp này sử dụng lượng thuốc ít nên pha nồng độ thuốc chính xác hơn, ít ảnh hưởng lớn đến môi trường nước tại nơi nuôi thủy sản. Tuy nhiên do nồng độ thuốc tương đối cao nên cần thường xuyên theo dõi hoạt động của động vật thủy sản để kịp thời xử lý, đồng thời cũng cần chú ý đến nồng độ thuốc sử dụng, thời gian và nhiệt độ môi trường nước.
Phương pháp ngâm: là phương pháp cho thuốc trực tiếp xuống ao, ngâm động vật thủy sản trong thời gian dài với lượng thuốc có nồng độ thấp, áp dụng cho các ao đầm nuôi có diện tích lớn. Bên cạnh đó, để giảm lượng hóa chất sử dụng cần hạ thấp mực nước trong ao đầm nuôi, đồng thời cũng cần phải chuẩn bị một lượng nước sạch để chủ động cấp vào ao nuôi phòng khi có sự cố xảy ra.
Phương pháp này tuy tốn kém vì lượng thuốc sử dụng nhiều và cần lưu ý liều lượng sử dụng nhưng mang lại kết quả cao, tỷ lệ sống cao hơn cho động vật thủy sản.
Phương pháp uống: Đây là phương pháp trộn thức ăn và thuốc kháng sinh hoặc các loại Vitamin và khoáng chất, chế phẩm sinh học,… thành một hỗn hợp thức ăn cho động vật thủy sản ăn để trị các bệnh do vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc bổ sung dinh dưỡng cho động vật thủy sản.
Đây là phương pháp phổ biến ít gây nhiễm bẩn ao, lượng thuốc sử dụng ít, dùng để trị các bệnh kí sinh bên trong cơ thể động vật thủy sản, nên khi sử dụng có thể bổ sung dầu gan mực, dầu thực vật bao bên ngoài thức ăn để hạn chế hóa chất tan trong môi trường nước đồng thời kích thích động vật thủy sản bắt mồi.
Phương pháp tiêm: Thuốc được tiêm trực tiếp vào xoang bụng hoặc cơ của cá và các động vật thủy sản khác.
Cách làm này với liều lượng chính xác, thuốc dễ hấp thụ và phát huy tác dụng nhanh nên mang lại hiệu quả khá tốt đối với các bênh bên trong cơ thể động vật thủy sản. Tuy nhiên chỉ áp dụng với các động vật thủy sản có kích thước lớn, giá trị cao và quý hiếm hoặc đối với người nuôi có giá trị kinh tế cao.
Phương pháp treo: Thuốc được bỏ vào trong bao vải hoặc bao lọc trà treo ở nơi cho động vật thủy sản ăn hoặc nơi lấy nước vào ao, đây sẽ là khu vực sát trùng, khi bơi vào khu vực đó thì cơ thể sẽ được khử trùng, nên sẽ diệt trừ các sinh vật ký sinh gây bệnh bên ngoài cơ thể động vật thủy sản.
Phương pháp này nồng độ sử dụng không quá lớn, không ảnh hưởng nhiều, phần lớn áp dụng để phòng ngừa bệnh cho động vật thủy sản nên không ảnh hưởng đến các vi sinh vật hoặc sự phát triển của tảo trong ao, đầm nuôi.
Phương pháp bôi: Thuốc được bôi trực tiếp lên cơ thể động vật thủy sản dùng để điều trị một số bênh ngoài da, vây hoặc bôi thuốc vào vết thương hay nơi nhiễm ký sinh trùng của động vật thủy sản với nồng độ cao để loại trừ các sinh vật gây bệnh như bệnh đốm đỏ, bệnh lở loét, bệnh do trùng mỏ neo, giun tròn ký sinh và phương pháp này được áp dụng trên từng cá thể. Đây cũng là một trong các phương pháp ít tốn kém về thuốc, mang lại độ an toàn cao, có nhiều thuận lời và không gây ảnh hưởng nhiều đến động vật thủy sản.