Nghiên cứu sản lượng của các nghề khai thác thủy sản tại đầm Nại, tỉnh Ninh Thuận
Để đảm bảo phát triển ổn định nghề cá nói chung và nghề khai thác thủy sản nói riêng, bên cạnh việc xác định trữ lượng nguồn lợi thủy sản và cường lực khai thác hợp lý cần phải đánh giá được sự biến động của sản lượng và năng suất đánh bắt nhằm cung cấp dẫn liệu khoa học giúp các nhà quản lý xây dựng định hướng phát triển nghề.
Qua nghiên cứu này các nhà khoa học thuộc ĐH Nha Trang đã thể hiện sự biến động của sản lượng và năng suất khai thác thủy sản tại đầm Nại, tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn 2012 ÷ 2016.
Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp điều tra, khảo sát và ghi nhật ký của 7 nghề khai thác thủy sản, gồm: lưới rê, lưới đáy, câu vàng, lờ dây, te, cào sò và khai thác hàu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sản lượng và năng suất khai thác liên tục giảm sút trong giai đoạn 2012 ÷ 2016, trung bình mỗi năm giảm 7,96% về sản lượng và 7,13% về năng suất. Trong đó, sản lượng của nghề te có mức suy giảm nhanh nhất (11,45%/năm) và thấp nhất là nghề câu (4,68%/năm), năng suất của nghề lưới rê có mức suy giảm nhanh nhất (8,26%/năm) và thấp nhất là nghề te (4,60%/năm). Bên cạnh năng suất và sản lượng giảm sút, kích thước sản phẩm khai thác nhỏ và nhiều đối tượng bị đánh bắt khi chưa đạt kích cỡ quy định của Nhà nước.
Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản số 4/2017 (ntbtra)