Đánh giá chức năng thị giác trên bệnh nhân đặt kính nội nhãn đa tiêu có độ cộng khác nhau
Nghiên cứu do đồng tác giả Trần Vũ Ngọc Tuyên và Trần Anh Tuấn thực hiện.
Ảnh minh họa.
Nghiên cứu đã tiến hành đánh giá chức năng thị giác và mức độ hài lòng của bệnh nhân đặt kính nội nhãn đa tiêu có độ cộng khác nhau. Sử dụng phương pháp nghiên cứu phân tích tiến cứu. Mẫu gồm 60 mắt được đặt kính nội nhãn đa tiêu có độ cộng +2,5 hoặc độ cộng +3,0. Kết quả đánh giá sau 3 tháng bao gồm thị lực xa, trung gian, gần không kính, thị lực xa, gần có chỉnh kính, độ nhạy tương phản và bảng câu hỏi đánh giá mức độ hài lòng của bệnh nhân.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, thị lực nhìn xa ở khoảng cách 5m giữa nhóm +2,5 và nhóm +3,0 tương đương nhau. Thị lực trung gian ở khoảng cách 60cm của nhóm +2,5 tốt hơn nhóm +3,0. Thị lực gần ở khoảng cách 33cm của nhóm +3,0 tốt hơn nhóm +2,5. Độ nhạy tương phản (ĐNTP) của hai nhóm tương đương nhau và nằm trong giới hạn bình thường. Các rối loạn thị giác của hai nhóm như hiện tượng chói sáng, khó nhìn khi ánh sáng kém, hiện tượng quầng sáng chỉ ở mức độ nhẹ đến trung bình và khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Bệnh nhân đặt kính nội nhãn đa tiêu ở cả hai nhóm có sự hài lòng tương đương nhau, đều ở mức cao.
So với kính nội nhãn đa tiêu độ cộng +2,5 thì kính độ cộng +3,0 có thị lực nhìn gần không kính và có kính tốt hơn, thị lực trung gian không kính kém hơn còn thị lực nhìn xa không kính thì tương đương nhau. Độ nhạy tương phản của hai nhóm nằm trong giới hạn bình thường. Một số rối loạn thị giác ở hai nhóm khác biệt không có ý nghĩa thống kê và không ảnh hưởng đến sinh hoạt của bệnh nhân.