Đánh giá hiệu quả chẩn đoán phù hoàng điểm đái tháo đường bằng chụp hình màu nổi đáy mắt
Nghiên cứu do đồng tác giả Trần Đặng Đình Khang, Võ Thị Hoàng Lan thực hiện.
Ảnh minh họa.
Nghiên cứu đã tiến hành đánh giá hiệu quả chẩn đoán phù hoàng điểm đái tháo đường bằng chụp hình màu nổi đáy mắt so với chụp OCT, so với khám sinh hiển vi dùng kính tiếp xúc và kính không tiếp xúc. Đồng thời xác định các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng phát hiện phù hoàng điểm. Nghiên cứu sử dụng phương pháp tiến cứu, cắt ngang mô tả có phân tích trên 105 mắt của 56 bệnh nhân có phù hoàng điểm đái tháo đường từ 08/2016 đến 07/2017 tại Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh. Bệnh nhân được khám đáy mắt bằng sinh hiển vi với kính Volk 78D và kính Goldmann; chụp hình màu nổi đáy mắt và chụp OCT. Kỹ thuật chụp hình nổi được sử dụng là kỹ thuật chụp nối tiếp, tái lập hình nổi dưới định dạng hình nổi song hành và hình nổi phân lọc màu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, chụp hình màu nổi đáy mắt có độ nhạy 89,9%, độ đặc hiệu 87,5% và hệ số kappa 0,656 với mức độ tương hợp tốt so với OCT. Các yếu tố ảnh hưởng khả năng phát hiện phù hoàng điểm là độ dày võng mạc trung tâm (hệ số tương quan Spearman rank ρ = 0,424); sự hiện diện xuất tiết cứng (ρ = 0,355) với tỉ số chênh OR = 5,86 (95% CI: 2,14-16,1); và vị trí xuất tiết cứng (ρ = 0,415). Chụp hình màu nổi đáy mắt có độ tương hợp tốt so với OCT; có độ nhạy và độ chính xác cao hơn khám đáy mắt bằng sinh hiển vi dùng kính tiếp xúc và kính không tiếp xúc.