Xác định mầm bệnh hiện diện trên hạt lúa giống IR 50404 tại Hậu Giang
Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Ngân - Học viên Cao học Công nghệ Sinh học khóa 22, Trường Đại học Cần Thơ, Trần Quốc Tuấn và Nguyễn Đắc Khoa - Viện Nghiên cứu & Phát Triển Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: sưu tầm.
Lúa (Oryza sativa L.) là một trong những cây lương thực chính của thế giới, có hơn 90% sản lượng lúa của thế giới được trồng và tiêu thụ ở châu Á (Screenivasaprasad et al., 2003; Khush, 2005). Ở Việt Nam, nền nông nghiệp lúa nước đóng vai trò chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực sản xuất lúa lớn nhất nước ta hiện nay (Nguyễn Thị Trúc Phương, 2016). Trong đó, Hậu Giang có diện tích gieo trồng lúa cả năm khoảng 210.000 ha, chiếm phần lớn trong tổng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh và một trong số các giống lúa chủ lực được trồng là IR 50404 (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hậu Giang, 2016).
Quá trình canh tác lúa luôn chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như khí hậu, dịch hại, côn trùng, đặc biệt là sự gây hại của các mầm bệnh như nấm và vi khuẩn trên hạt lúa làm ảnh hưởng đến sức khỏe của hạt (Ou, 1972). Hạt giống nhiễm nấm có tỉ lệ nảy mầm thấp (khoảng 20-70%) và làm giảm năng suất lúa từ 1-10% (Imolehin, 1983; Savary et al., 2000). Mầm bệnh kí sinh trên hạt lúa giống gây hại trong suốt thời kì sinh trưởng, phát triển của cây lúa và còn liên quan mật thiết đến tình hình dịch bệnh sau khi gieo trồng (Fakir, 1983; Kato et al., 1988; Cottyn et al., 2001).
Hình thái 7 loài nấm được phân lập trên mẫu lúa giống IR 50404 thu thập tại Hậu Giang. Hình thái sợi nấm phát triển trên hạt, tản nấm trên môi trường PDA ở mặt trên, tản nấm trên môi trường PDA ở mặt dưới và bào tử nấm dưới kính hiển vi quang học của nấm Sarocladium oryzae (A1, A2, A3, A4), Fusarium moniliforme (B1, B2, B3, B4), Alternaria padwickii (C1, C2, C3, C4), Bipolaris oryzae (D1, D2, D3, D4), Curvularia spp. (E1, E2, E3, E4), Aspergillus sp. (F1, F2, F3, F4) và Mucor sp.(G1, G2, G3, G4)
Theo các nghiên cứu, có nhiều bệnh trên lúa có nguồn gốc phát sinh từ hạt giống như bệnh cháy bìa lá lúa gây ra bởi vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv. oryzae, vi khuẩn Pseudomonas avenae gây bệnh sọc nâu (Mew and Misra, 1994; Javaid et al., 2006) và nấm Fusarium moniliforme gây bệnh lúa von từng gây hại nghiêm trọng đối với việc trồng lúa ở Châu Á trong đó có Việt Nam, cụ thể là ở các tỉnh ĐBSCL giai đoạn 2002-2008 (Singh and Sunder, 2012; Phạm Văn Kim, 2015).
Đề tài được thực hiện với mục tiêu xác định mầm bệnh hiện diện trên hạt lúa giống IR 50404 tại Hậu Giang nhằm tạo tiền đề cho các nghiên cứu phòng trị bệnh trên hạt. Tổng số 28 mẫu hạt được thu thập từ các đại lý cung cấp lúa giống thuộc 7 địa điểm trồng lúa trọng điểm của tỉnh Hậu Giang gồm: huyện Châu Thành A, huyện Phụng Hiệp, huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ, thị xã Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh. Kết hợp phương pháp đặt hạt trên giấy thấm và khảo sát hình thái, 7 mầm bệnh nấm được xác định gồm: Sarocladium oryzae, Fusarium moniliforme, Alternaria padwickii, Bipolaris oryzae, Curvularia spp., Aspergillus sp. và Mucor sp.. Tuy nhiên, không ghi nhận sự hiện diện của mầm bệnh vi khuẩn từ các mẫu hạt lúa giống IR 50404.
Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 54,Số 1,Phần B(2018)