Ảnh hưởng của mật độ và thức ăn trong ương cá chành dục (Channa gachua HAMILTON, 1822) giai đoạn cá bột
Nghiên cứu do các tác giả: Hồ Mỹ Hạnh - Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Cần Thơ, Bùi Minh Tâm và Dương Thúy Yên - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: sưu tầm.
Cá chành dục (Channa gachua Hamilton, 1822) là loài cá bản địa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, loài cá sống ở nước ngọt và ăn động vật (Mai Đình Yên và ctv., 1992; Rainboth, 1996; Trần Đắc Định và ctv., 2013).
Trong số các loài cá họ Channidae thì loài cá lóc (Channa striata) và cá lóc bông (Channa micropeltes) đã được quan tâm nghiên cứu do có giá trị kinh tế (Wee et al., 1982; Bùi Minh Tâm và ctv., 2008). Riêng loài C. gachua, các công trình nghiên cứu chỉ dừng lại ở đặc điểm hình thái phân loại, phân bố (Mai Đình Yên và ctv., 1992; Rainboth, 1996; Trần Đắc Định và ctv., 2013).
Trong cả vòng đời của cá, giai đoạn ấu trùng cần được chăm sóc nuôi dưỡng cẩn thận. Cá sau khi tiêu thụ hết noãn hoàng cần thức ăn tươi sống kích thước nhỏ trong suốt thời gian bắt đầu lấy thức ăn bên ngoài. Theo Watanable et al. (1983), trên nhiều loài cá việc sử dụng động vật phiêu sinh sống sẽ góp phần thành công trong ương nuôi ấu trùng, chúng bao gồm Rotifers, Cladoceras và Copepods. Trong số những động vật phiêu sinh sống, Moina là thức ăn ban đầu thích hợp cho cá măng Chanos chanos (Villegas, 1990), cá trê Clarias macrocephalus (Fermin et al., 1991), cá lóc C. striatus (Amornsakun et al., 2011). Hơn nữa, hoạt động nuôi bất kỳ đối tượng thủy sản nào được duy trì bền vững đòi hỏi sự thuần hóa hợp lý, thức ăn cho cá bột và kỹ thuật ương nuôi của loài được quan tâm (Sarowar et al., 2010).
Bên cạnh thức ăn thì mật độ ương cũng là một yếu tố quan trọng trong ương nuôi cá, bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng, tỷ lệ sống và năng suất ương (Backiel and Lecren, 1978). Haylor (1992) cho rằng sự tăng trưởng của ấu trùng cá trê Phi (Clarias gariepinus) bị ảnh hưởng đáng kể bởi mật độ thả.
Các nghiên cứu về thức ăn và mật độ ương thích hợp trong giai đoạn cá bột đã được thực hiện trên cá lóc đen C. striata (Mollah et al., 2009; Paray et al., 2015), cá lóc bông (Bùi Minh Tâm và ctv., 2008), tuy nhiên trên cá chành dục C. gachua thì rất hạn chế. Vì vậy, nhằm xác định mật độ và thức ăn thích hợp cho cá sinh trưởng tốt thì việc nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ và thức ăn trong ương cá chành dục giai đoạn cá bột được thực hiện là điều cần thiết.
Thí nghiệm 1: ương cá với 3 nghiệm thức mật độ (3 con/L, 5 con/L và 7 con/L) trên thùng xốp thể tích ương 20 L, mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Thí nghiệm 2: Ương cá với 3 nghiệm thức thức ăn (Moina-trùn chỉ, Moina-tép sông, Moina-TACN) được thực hiện trên thùng xốp thể tích ương 20 L và mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần, thời gian ương là 28 ngày. Kết quả ương cá cho thấy, mật độ 5-7 con/L cho hiệu quả ương tốt hơn về tỷ lệ sống và sự tăng trưởng về chiều dài và khối lượng; nghiệm thức thức ăn Moina-trùn chỉ cho cá sinh trưởng về khối lượng và chiều dài cao hơn có ý nghĩa (p<0,05) so với các nghiệm thức thức ăn còn lại.
Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 54, Số 1, Phần B(2018)