Ngân hàng chuyển đổi số hóa theo hướng đơn giản nhưng thông minh
Mục tiêu của các ngân hàng là nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số theo hướng đơn giản, thân thiện, tự động, thông minh và tiếp cận khách hàng đa kênh đồng nhất.
Toàn cảnh hội thảo.
Đây là khẳng định của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tại Hội thảo "Phát triển và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng" vừa diễn ra ngày 21/8. Hội thảo do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 21/8, tại Hà Nội.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo tại Việt Nam (Vietnam Innovation NetWork) năm 2018 phục vụ xây dựng Đề án đánh giá tác động và Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 (diễn ra từ ngày 18 - 24/8/2018).
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, nhận thức được tầm quan trọng, tiềm năng và sự tác động mạnh mẽ của khoa học công nghệ đối với hoạt động ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, chú trọng phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ ngành ngân hàng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng được xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong những năm tới.
Nhằm đón đầu xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, các ngân hàng Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào một số công nghệ thành tựu của CMCN 4.0 trong sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị của mình.
Theo các chuyên gia, một số ngân hàng Việt Nam đã bắt đầu quá trình chuyển đổi để hướng tới một ngân hàng số đích thực như là một xu hướng phát triển chủ đạo của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay.
Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân Hàng Nhà nước, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Fintech Ngân hàng Nhà nước, CMCN 4.0 đã làm thay đổi căn bản mô hình kinh doanh, quản trị các ngân hàng theo xu hướng ngân hàng số; thay đổi hoàn toàn kênh phân phối theo hướng số hóa, đa kênh đồng nhất (Omni-chanel), đòi hỏi tái thiết kế các sản phẩm dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm.
Nổi bật nhất là việc triển khai thực tế các công nghệ số nền tảng như: Điện toán đám mây, Phân tích dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng, giải pháp như xác thực sinh trắc học, trao đổi dữ liệu qua giao diện chương trình ứng dụng mở...
Các ngân hàng Việt Nam đang có sự đầu tư lớn về hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm lõi (corebank) thế hệ mới, triển khai các công nghệ nền tảng mới, ứng dụng các giải pháp sáng tạo theo xu hướng chung về chuyển đổi số, số hóa dịch vụ của ngành ngân hàng. Mục tiêu của các ngân hàng là nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số theo hướng đơn giản, thân thiện, tự động, thông minh và tiếp cận khách hàng đa kênh đồng nhất.
Bên cạnh sự xuất hiện và ứng dụng các công nghệ số trong hoạt động ngân hàng thông qua xu hướng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam là sự phát triển, mở rộng hệ sinh thái dịch vụ tài chính trong nước với sự góp mặt của các doanh nghiệp công nghệ tài chính (Fintech). Những doanh nghiệp này phát triển dựa trên thành tựu của khoa học công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu thương mại điện tử gia tăng, các hoạt động đa dạng của kinh tế số và thỏa mãn tốt hơn nhu cầu, hành vi thay đổi của người tiêu dùng trong kỷ nguyên số.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, những tác động của CMCN 4.0 tới ngành ngân hàng khiến rủi ro an ninh mạng trong lĩnh vực này trở lên lớn và thường trực hơn, do sự kết nối mở, liên tục, đa chiều, phức tạp.
Chính vì vậy, "hội thảo là cơ hội để các chuyên gia và các nhà khoa học trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm quý báu và đưa ra những đề nghị xác đáng về việc đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào hoạt động ngân hàng", ông Nguyễn Kim Anh khẳng định.
Chuỗi hoạt động của Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo diễn ra từ ngày 19/8 đến 24/8:
Ngày 19/8: Công bố Sáng kiến mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam và Phiên đối thoại của lãnh đạo Chính phủ với các nhà khoa học.
Chiều 20/8: Làm việc tại Làng phần mềm F-Ville 2, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Ngày 21/8: Trao đổi về các ngành, lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam (Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước).
Ngày 22/8: Làm việc tại Quảng Ninh và kết nối với giới trí thức, nghiên cứu, làm công nghệ.
Ngày 23/8: Làm việc tại TP HCM, thăm Khu công nghệ cao Hồ Chí Minh.
|