Nghiên cứu tình trạng một số gen liên quan chuyển hóa, sự thay đổi cấu trúc mô gan ở người phơi nhiễm chất da cam/dioxin
Dioxin là hóa chất có độc tính cao nhất trong các loại chất độc mà đến nay loài người đã biết đến. Đồng thời, một đặc tính quan trọng của dioxin là tồn lưu rất lâu trong môi trường với thời gian bán hủy hàng năm, hàng chục thậm chí hàng trăm năm. Trong cơ thể người và động vật, dioxin lắng đọng chủ yếu các tổ chức mỡ, đào thải cũng rất chậm với thời gian bán hủy khoảng 8 năm. Dioxin (trong đó có 2,3,7,8-TCDD) là một sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất các hóa chất gây rụng lá và từ chất da cam là chính.
Ở Việt Nam mặc dù chiến tranh đã kết thúc gần 40 năm nhưng hậu quả tác động lâu dài của chất da cam/dioxin đối với sức khỏe của các cựu chiến binh và nhân dân đã và đang tiếp xúc vẫn rất nặng nề và thách thức loài người mặc dù chúng ta đang sở hữu những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhất trong y sinh học, hóa học và xử lý môi trường. Cho đến nay, ở Việt Nam cũng như trên thế giới việc nghiên cứu về hình thái và cấu trúc mô gan, cũng như biểu hiện gen liên quan đến quá trình rối loạn chuyển hóa và bệnh sinh ung thư ở người bị phơi nhiễm lâu dài chất da cam/dioxin còn rất ít. Gan là một hệ thống cơ quan có chức năng chuyển hóa, cố định, bất hoạt và thải trừ các chất độc nội sinh và ngoại sinh của cơ thể. Chính vì vậy, nó là cơ quan rất dễ tổn thương trong quá trình nhiễm độc lâu dài các chất độc ngoại sinh, trong đó có chất da cam/dioxin.
Để phân tích, đánh giá, dự báo mối quan hệ giữa biến đổi cấu trúc mô gan với trạng thái di truyền học và loại biểu hiện của các gene bệnh sinh, cũng như đánh giá tình trạng nhiễm độc và nguy cơ chuyển dạng sang các bệnh ác tính, từ đó, đề xuất các biện pháp điều trị hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là phương pháp giải độc cho những người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Quân y 103 đã đề xuất nghiên cứu phân bố kiểu gene Cyp2C9, CYP2C19, Multidrug resistant-1 (MDR-1), Cyp1A1 và định lượng mức độ biểu hiện của các dấu ấn phân tử dạng Micro-RNA đặc thù cho tổn thương gan như Micro-RNA122, Micro-RNA 21 ở người có phơi nhiễm chất da cam/dioxin.
Từ tháng 2/2014 đến tháng 12/2015, nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Quân y 103 do TS. Nguyễn Bá Vượng làm chủ nhiệm, đã thực hiện: “Nghiên cứu tình trạng một số gen liên quan chuyển hóa, sự thay đổi cấu trúc mô gan ở người phơi nhiễm chất da cam/dioxin”.
Dựa vào những kết quả nghiên cứu trên 100 nạn nhân phơi nhiễm chất da cam/dioxin có 2,3,7,8 TCDD và 100 người khỏe mạnh không có tiền sử tiếp xúc với chất da cam/dioxin, nhóm nghiên cứu đã rút ra các kết luận sau:
- Những thay đổi về siêu cấu trúc mô gan ở người phơi nhiễm chất da cam/dioxin có hình ảnh tổn thương siêu cấu trúc bao gồm: các mitochondria tăng đậm mật độ điện tử đồng đều, biến dạng, đứt gãy màng, xuất hiên các mitochonidria thể kính, nhiều hình dạng, kích thước khác nhau
- Các tổn thương thành phần cấu tạo gan bao gồm: Tăng cường xâm nhập tế bào viêm, tạo các dải xơ vào khoảng Disse.
- Những người có tổn thương siêu cấu trúc có bó sợi collagen xâm nhập khoảng cửa và xơ hóa nhẹ khoảng cửa trên TEM có nồng độ 2,3,7,8 TCDD cao hơn rõ rệt so với người không có tổn thương này. Những người có tổn thương xơ hóa quan sát trên SEM có nồng độ 2,3,7,8 TCDD cao hơn nhóm không có tổn thương xơ hóa nhưng không khác biệt thống kê (p>0,05).
- Sự biểu hiện dấu ấn phân tử micro-RNA122 và Micro-RNA 21 huyết thanh ở người phơi nhiễm chất da cam/dioxin. Mức độ biểu hiện miRNA-21 và MiRNA-122 ở nhóm người nhiễm chất da cam/dioxin theo thứ tự là 8,56±24,54 và 198,27±527,47 cao hơn hẳn so với nhóm người khỏe mạnh là 0,61±0,42 và 0,59±1,74 (p<0,05).
- Phân bố kiểu gen Cyp2C9, CYP2C19, Multidrug resistant-1 (MDR-1), Cyp1A1 ở người phơi nhiễm chất da cam/dioxin và mối liên quan với nồng độ dioxin, tổn thường cấu trúc mô gan với sự biểu hiện của Micro-RNA 21 và Micro-RNA 122.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12258/2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia